Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Video: Google thử nghiệm máy bay giao hàng không người lái

Google tiết lộ nguyên mẫu đầu tiên của dự án "Project Wing", máy bay giao hàng không người lái để cạnh tranh với "Prime Air" của Amazon.

Loại máy bay mà Google đang phát triển có khả năng cung cấp tất cả mọi thứ như kẹo, thuốc men, các công ty Internet cho biết hôm thứ Năm.

Dự án Project Wing sẽ phải mất nhiều năm phát triển để tạo ra một dịch vụ với nhiều phương tiện bay giao hàng đa chủng loại m,ỗi ngày, Google cho biết.

Trung Quốc đang xây thêm căn cứ quân sự tại Trường Sa

(TNO) Quân đội Philippines cho biết Trung Quốc đang vận chuyển vũ khí và trang thiết bị quân sự đến các cơ sở trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đài NHK (Nhật) đưa tin hôm 28.8.


Đài NHK (Nhật) trích đăng hình ảnh chụp từ trên không của quân đội Philippines cho thấy Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép các căn cứ trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ảnh chụp từ trên không còn cho thấy các căn cứ đã được hiện đại hóa và quân sự hóa nhiều hơn trong vòng 4 năm qua, theo NHK.

Các bức ảnh chụp bãi đá Chữ Thập thì cho thấy một sân bay dành cho máy bay trực thăng và một thứ trông giống như nhà kính trồng cây trong nhà và các ụ súng.

Còn trên bãi đá Su Bi, quân đội Philippines phát hiện một vật thể hình cầu màu trắng, được cho là một trạm radar lớn.

Các quan chức quân đội Philippines cho biết họ đã thấy việc tăng cường cho các căn cứ hiện hữu hoặc xây thêm căn cứ mới diễn ra ở ít nhất 7 điểm khác nhau tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Hình ảnh cho thấy Trung Quốc tiếp tục san lấp và mở rộng trái phép bãi Gạc Ma để xây căn cứ từ tháng 2 đến tháng 7

Ngoài ra, tại bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh cũng đang tiến hành san lấp, mở rộng và triển khai các công trình xây dựng quy mô lớn, theo ảnh chụp từ trên không của quân đội Philippines.

Quan chức Philippines cho biết họ đang theo dõi sát các hoạt động của Trung Quốc.

NHK nhận định thông qua việc quân sự hóa mạnh mẽ các quần đảo kể trên, Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng quân sự tại biển Đông.


Hình ảnh do quân đội Philippines cung cấp cho đài NHK cho thấy những vật nghi là súng máy trên các căn cứ của Trung Quốc tại bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa


Sân bay trực thăng tại một căn cứ Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam


Vật hình cầu lớn màu trắng nghi là trạm radar trên bãi đá Su Bi

Hoàng Uy

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, VN mua gì?

Các tuyên bố của hai nhân vật nổi bật trong chính giới và quân đội Mỹ khi tới thăm Việt Nam đã mang lại hy vọng cho giới chức cũng như truyền thông do nhà nước kiểm soát ở trong nước về khả năng Hoa Kỳ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.


Theo ông Dempsey, giới chức Mỹ cùng các tổ chức phi chính phủ nhận thấy rằng Việt Nam đã có những tiến bộ có thể dẫn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm.

“Mỹ sẽ sớm bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” hay “Tháng 9, Mỹ có thể nới lỏng bán vũ khí cho Việt Nam” là hai trong số nhiều hàng tít được đăng tải sau chuyến thăm trong tháng này của Thượng nghị sĩ John McCain và Đại tướng Martin Dempsey.

Trước đó, ông McCain tuyên bố rằng đã đến lúc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Còn theo ông Dempsey, giới chức Mỹ cùng các tổ chức phi chính phủ nhận thấy rằng Việt Nam đã có những tiến bộ có thể dẫn tới việc dỡ bỏ lệnh cấm.

Hiện chưa rõ Việt Nam sẽ mua gì nếu phía Mỹ đi tới quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bản thân ông Dempsey, khi trả lời báo chí, cũng cho biết là các giới chức quân sự Việt Nam chưa cho biết cụ thể là họ muốn mua loại vũ khí nào, nhưng hai quốc gia hiện đang bàn thảo về ‘các tàu tuần tra, các thiết bị trinh sát, tình báo’ và ‘có thể là cả một số vũ khí cho hạm đội mà họ [Việt Nam] chưa có’.

Nhưng trong khi vấn đề biển Đông đang dậy sóng, theo các nhà quan sát, Hà Nội có lẽ muốn tăng cường hải quân để bảo vệ lãnh hải trước sự lấn lướt của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, giáo sư giảng dạy bộ môn quan hệ quốc tế tại Đại học George Mason, Mỹ, nhận định: “Hiện nay chúng ta thấy là cái cần thiết của Việt Nam là họ cần phải tăng cường khả năng tuần duyên của họ, thì cái đó là loại vũ khí họ muốn có. Thứ hai là một loại khác mà tôi nghĩ họ cũng muốn có là hỏa tiễn địa đối hạm, có thể bắn xa ra ngoài biển. Thì đó là những cái tôi cho là họ muốn".

Ông Hùng nói thêm: "Nhưng còn có những loại khác nữa là phương tiện để tiến hành trinh sát và thăm dò, dụng cụ để thăm dò ở ngoài biển thì không có, họ có thể muốn mua. Nhưng mà mặt khác thì họ có thể điều đình để cho Mỹ chia sẻ những tin tức ở ngoài đó, bản đồ ngoài đó, như trường hợp mà Mỹ làm với Philippines. Đó là những điều mà theo tôi nghĩ có thể là họ muốn”.

Các giới chức quân sự cấp cao của chính quyền Hà Nội lâu nay bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm này, nhưng phía Mỹ luôn đặt điều kiện về nhân quyền kèm theo.

Chuyến đi của ông McCain và Dempsey diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua một cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc quanh giàn khoan dầu Bắc Kinh đưa vào vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thềm lục địa của mình.

Một số nhà quan sát nhận định rằng chính phủ Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn nữa với Mỹ sau khi vụ giàn khoan dầu đã đẩy quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh xuống tới mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận định tiếp: “Kể từ năm 2008, vì sự lấn lướt của Trung Quốc ở trên biển, đã làm cho Hà Nội quyết định tiến gần hơn với các nước Tây phương, và đặc biệt là với Mỹ. Nhưng mà tiến bộ vẫn còn chậm rãi và mang tính thăm dò là vì hai lý do. Thứ nhất, Hà Nội không muốn làm mất lòng Trung Quốc và thứ hai nữa là Hà Nội vẫn còn nghi ngờ Mỹ lật đổ chính quyền của mình".

Ông Hùng nói thêm: "Khi giàn khoan xảy ra, nó làm suy yếu hai điều này. Sự nghi ngờ cũng bớt đi bởi vì sự lo lắng nhiều hơn là vấn đề về Trung Quốc vì việc đưa giàn khoan như là một gáo nước lạnh giội vào những người ở Hà Nội vẫn còn tin tưởng vào ý thức hệ xã hội chủ nghĩa với Trung Quốc. Vụ giàn khoan đẩy mạnh hơn cái tiến trình cộng tác quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Hồi giữa tháng Sáu, phát biểu tại buổi điều trần nhằm chuẩn thuận chức vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam do Tổng thống Obama đề cử, ông Ted Osius cũng nói rằng đã đến lúc Washington cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Ông Osius nói rằng Hoa Kỳ đã nói rõ cho phía Việt Nam biết rằng lệnh cấm này không thể được gỡ bỏ nếu không có tiến bộ quan trọng nào về nhân quyền.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này nói thêm rằng ông sẽ ‘thẳng thắn và trực tiếp nói với các lãnh đạo ở Hà Nội rằng việc chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền sẽ làm cho họ mạnh hơn, chứ không phải yếu đi, đồng thời tiềm năng của mối quan hệ đối tác cũng sẽ phát triển”.

Việc Hoa Kỳ cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nằm trong lệnh cấm vận vũ khí năm 1984 của Washington.

Nguồn: VOA

Việt Nam và Czech ký thỏa thuận quân sự-quốc phòng

(GDVN) - Thỏa thuận sẽ củng cố vị thế "một trong những nhà cung ứng trang bị quân sự lớn nhất của lực lượng vũ trang Việt Nam" của Czech.


Sáng 15 tháng 8 năm 2014, Đoàn đại biểu quân đội hai nước Việt Nam - Cộng hòa Séc tiến hành hội đàm (ảnh VTC News)

Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 19 tháng 8 đưa tin, ngày 15 tháng 8, tại Hà Nội, Việt Nam và Czech đã ký kết một thỏa thuận, Chính phủ Việt Nam cho biết, thỏa thuận sơ bộ của hai nước sẽ tiến hành hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng rộng rãi hơn như công nghệ quân sự, đào tạo, bảo đảm và bảo trì...

Sau đó, hai nước sẽ ký kết bản ghi nhớ chính thức để ủng hộ cho thỏa thuận này. Thỏa thuận này sau khi được ký kết sẽ củng cố vị thế "một trong những nhà cung ứng trang bị quân sự lớn nhất của lực lượng vũ trang Việt Nam" của Czech.

Theo thống kê của EU, Czech là nhà cung ứng trang bị quân sự chủ yếu của Việt Nam ở châu Âu, kim ngạch tiêu thụ hàng hóa quân sự từ năm 2010 đến năm 2012 khoảng 71 triệu USD, cao hơn 69 triệu USD của Pháp và 27 triệu USD của Đức.

Từ năm 2003 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam của Czech đạt 188 triệu USD, trong đó phần lớn là cung cấp trang bị phòng ngự điện tử và linh kiện cho các trang bị dự trữ Liên Xô đã lão hóa của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Được biết, sáng 15 tháng 8, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có buổi tiếp và tọa đàm với đoàn đại biểu Cộng hòa Séc do Đại tướng Petr Pavel, Tổng tham mưu trưởng quân đội dẫn đầu sang thăm Việt Nam.

Ngoài những nội dung trao đổi trên, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Cộng hòa Czech còn đến chào Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự, vịnh Hạ Long và một số di tích lịch sử văn hóa ở Thủ đô Hà Nội.

Theo bài báo, Việt Nam-Czech ký kết thỏa thuận nêu trên trùng với thời điểm Việt Nam và Mỹ tiếp tục tham vấn mở rộng quan hệ đối tác chiến lược song phương, để Mỹ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Thương mại quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ luôn gặp trở ngại bởi lệnh trừng phạt do Mỹ áp dụng, trong khi đó, mấy tuần gần đây, một số quan chức Mỹ cho biết, đến năm 2015, vào thời điểm tròn 20 năm hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, lệnh cấm này có thể sẽ được nới lỏng.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ tiếp đón Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey ngày 14 tháng 8 đến thăm Việt Nam, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm qua.

Tướng Martin Dempsey cho biết, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, đề nghị Việt Nam mua trang bị hải quân của Mỹ.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington vẫn đang thông qua cơ chế viện trợ quân sự của họ tiếp tục xem xét lệnh cấm bán vũ khí đối với Việt Nam.

Trung Quốc lo lắng về quan hệ quân sự Mỹ - Việt đang ấm lên

Việt Nam đang muốn sở hữu các vũ khí tấn công của Mỹ và quan hệ quân sự Mỹ - Việt ngày càng nồng ấm là những nhận xét cay đắng của báo giới Trung Quốc về sự kiện Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đại tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam mới đây.

Hội đàm Việt - Mỹ nhân dịp đại tướng Martin Dempsey thăm Việt Nam, hai bên đánh giá quan hệ quốc phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng và nhu cầu mỗi bên - Ảnh: Trường Sơn 

Theo Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, trong chuyến sang thăm Việt Nam vừa qua (13 - 16.8) đã tiết lộ, Mỹ trong tương lai gần sẽ thảo luận về quy định hủy bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long trao đổi với Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, cho biết Việt Nam cần vũ khí tấn công nhằm tăng cường uy lực cả trên không phận lẫn trên hải phận. Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch cũng thừa nhận, sự tăng cường quan hệ nồng ấm trong quan hệ quân sự hai nước Mỹ - Việt đã chứng tỏ Mỹ đã "dấn sâu hơn" vào vấn đề biển Đông.

Đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ có mặt tại Hà Nội hôm 14.8 - Ảnh: Reuters

Việt Nam tìm kiếm vũ khí từ Mỹ

Tờ báo trên cũng cho rằng lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam đã trải qua một quá trình từ thắt chặt tới nới lỏng hơn. Việc cấm vận vũ khí này của Mỹ khởi đầu từ khi chính quyền miền Nam Việt Nam sụp đổ năm 1975.

Năm 1984, Washington chính thức ban bố lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Tuy nhiên mấy năm gần đây thái độ của Mỹ khi thực thi lệnh trên rõ ràng đã có chuyển biến mềm hóa rõ rệt. Có thể thấy rõ nhất những thay đổi của Mỹ về vấn đề này trong năm 2007. Chính quyền Bush khi sửa đổi điều lệ mậu dịch vũ khí quốc tế đã cho phép bán các loại vũ khí phi sát thương cho Việt Nam, chỉ hạn chế các hạng mục vũ khí sát thương. Nếu Mỹ lần này “giải phóng” một phần lệnh cấm vận cũ thì ắt sẽ nới lỏng việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam, theo Nhân dân Nhật báo.

Chuyên gia Đỗ Văn Long cho rằng Việt Nam sẽ cần có 2 loại vũ khí: 1 - Loại vũ khí có khả năng phòng vệ và cũng đem lại lợi ích. 2 - Loại vũ khí có thể nâng cao uy lực của mình đối với các nước xung quanh về cả không phận lẫn hải phận, mà chủ yếu là những trang bị vũ khí có tính chiến đấu.

Ông Đỗ nhận xét phần lớn máy bay trực thăng mà Việt Nam hiện đang sử dụng đều là máy bay trực thăng UH-1 của Mỹ mà Việt Nam đã giành được từ sau chiến tranh Việt Nam. Nếu Việt Nam sử dụng máy bay chiến đấu A-10 và trực thăng vũ trang Apache thì khả năng kiểm soát không phận ở tầm thấp của Việt Nam sẽ được nâng cao, đồng thời cũng nâng cao được năng lực quan sát mục tiêu ở hải phận xung quanh.

Ngoài ra Việt Nam cũng rất cần ít nhất hai tàu chiến đổ bộ nhằm tăng cường để nâng cao năng lực tác chiến. Nếu có được hai tàu chiến Wasp dù loại dùng rồi, hoặc tàu chiến thông dụng khác có trang bị vũ khí, thì năng lực bảo vệ, có lợi ích và năng lực tấn công của Việt Nam cũng tăng lên.

Việt Nam cũng có thể đặt mua ra-đa, thông qua mạng giám sát trinh thám ở phạm vi rộng, nâng cao được năng lực trinh sát không phận tầm trung và trên hải phận thuộc khu vực biển Đông.

Mỹ sẽ tăng cường can thiệp vấn đề biển Đông

Từ Kim Ngọc, tác giả bài báo trên Nhân dân Nhật báo cũng xác nhận ông Nguyễn Tông Trạch cho rằng quan hệ quân sự Việt - Mỹ nồng ấm có ý nghĩa rằng Mỹ đã bắt đầu can thiệp sâu vào khu vực Đông Dương.

Ông Nguyễn Tông Trạch chỉ ra rằng, trong cuộc họp các Ngoại trưởng Asean vừa qua, Mỹ đã chính thức đề ra 3 ý kiến hòng “đóng băng hành động biển Đông”. Giờ đây Mỹ cố tình giữ chặt Việt Nam để tăng cường sức mạnh can thiệp trên biển Đông.

“Thực lực quân sự và thực lực kinh tế của Việt Nam thuộc hàng đầu các nước Đông Nam Á, hơn nữa Việt Nam lại chiếm vị trí địa chính trị quan trọng ở bán đảo Đông Nam Á. Mỹ càng tiếp cận Việt Nam thì e rằng Mỹ càng có ý đồ can thiệp sâu hơn vào vấn đề biển Đông", ông Nguyễn nhận định.

Lucy Nguyễn - Thanh Niên

Việt Nam, Cựu Đối Thủ Tranh Thủ Mỹ Để Đối Phó Với Trung Quốc

Lời tựa do báo USA Today đặt. Đó là lời lẽ có tính cách mặt mũi, kẻ cả, của một đại cường quốc. Thực chất, như nội dung bài viết cho thấy, mối bang giao Mỹ Việt ngày một thắt chặt này không hề là một chiều. Để đối phó với hành động lấn lướt gần đây của Trung Quốc, Hoa kỳ phải tìm cách liên kết với các quốc gia khác ở Châu Á để làm vòng đai bảo vệ con đường hàng hải quốc tế từ Bắc Á xuống Vịnh Thái Lan: Nhật, Phi, Nam Hàn, Úc, và không thể không có Việt Nam... Đó là nhu cầu của tình thế, đôi bên cùng cảm nhận sự cần thiết có nhau. "Bánh ít ném đi, bánh qui ném lại." Hơn nữa, việc này cũng là bảo vệ địa vị siêu cường của Hoa kỳ mà thôi. (SH).


Đại tướng Martin Demsey và Thượng tướng Đỗ Bá Ty, tại lễ đón tiếp ngày 14 tháng 8, 2014



TP HỒ CHÍ MINH - Tướng Martin Dempsey đã phục vụ 40 năm trong quân đội, chiến đấu ở Iraq, đi khắp thế giới nhiều lần.

Tướng Martin Demsey thăm một tàu chiến Việt Nam (Ảnh: Tom Vanden Brook, USA TODAY)

Tuy vậy, chẳng có gì trong thành tích ấy đã chuẩn bị đầy đủ cho chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của ông - Chủ tịch bộ tham mưu liên quân đầu tiên kể từ chuyến viếng thăm của Đô đốc Thomas Moorer vào năm 1971. Vào thời điểm đó, đã có 300.000 lính Mỹ ở Việt Nam.

"Bay vào nội địa, nhãn quan hầu như quá tràn ngập," Dempsey nói với (phóng viên) USA Today, tham gia cùng ông trong chuyến đi. "Kiến trúc. Các xe gắn máy. Các hình ảnh hiện đại xung đột với quá khứ. Phụ nữ trên đồng ruộng đang chăm sóc các thửa ruộng, hay thả bộ xuống đường phố với đôi quang gánh."
"Vì vậy, bạn đã có sự xen kẻ kề nhau này với những người trước kia và ngày nay."

Dấu ấn của chiến tranh, mặc dù mờ nhạt, vẫn có thể truy tìm được. Một phần nhiệm vụ của Dempsey ở đây là để ghi nhận nhưng không bị trói buộc của quá khứ khi những kẻ từng là kẻ thù cay đắng tìm kiếm mối quan hệ mới và sâu sắc hơn. Cuộc viếng thăm bốn ngày của Dempsey qua ba thành phố cung cấp cái nhìn thoáng qua của quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước này với 93 triệu người đông đúc vào một không gian về kích thước của tiểu bang New Mexico.

Chiếc trực thăng TQLC Mỹ sơ tán người từ mái nhà của một tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tháng Tư năm 1975 (Photo: NEIL ULEVICH, AP)

Một loạt các vấn đề của quá khứ và hiện tại phải đối mặt với Dempsey trong chuyến đi - từ các tác dụng độc hại của chất diệt cỏ chất độc màu cam đến sự vươn dậy của Trung Quốc và việc họ dùng sức mạnh quân sự ở Biển Đông đã làm chột dạ Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Bóng ma của chiến tranh Việt Nam, và 58.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở đây, đã phủ bóng lên tất cả các vấn đề, một lời nhắc nhở của cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã bại trận và các máy bay trực thăng di tản nhục nhã các nhà ngoại giao và đám tùy tùng từ mái nhà của một tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tháng 5 năm 1975. Có nhiều cơ hội để gia tăng thương mại đối với Việt Nam, một quốc gia đã vực dậy từ tàn phá của chiến tranh.

Cuộc viếng thăm của Dempsey cho thấy rằng Hoa Kỳ và Việt Nam muốn kết giao quan hệ quân sự gần gũi hơn, Ernie Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói. Quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia cộng sản đã được thiết lập vào năm 1995, mặc dù một điều ngăn cấm bán vũ khí của Mỹ cho Việt Nam vẫn còn tồn tại.

Bower nói "Chiến tranh Việt Nam – hay cuộc chiến tranh của Mỹ theo người Việt Nam gọi nó - đang mờ dần nhanh chóng trong gương chiếu hậu," Hoa Kỳ và Việt Nam tìm lợi ích chung trong việc phát triển một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng, ông nói.

Dempsey đã thấy một vùng đất phát triển mọi mặt, nhỏ và lớn. Nhỏ: cửa hàng bán lẻ sang trọng Hermes luôn nhộn nhịp trong khi di tích như "xe tăng thời đại 60 và máy bay chiến đấu từ cuộc chiến tranh rỉ sét và méo mó trong cái nóng nhiệt đới và độ ẩm. Lớn: Việt Nam ve vãn Hoa Kỳ, siêu cường mà nó đã tống ra khỏi nước, như là đối trọng đối với Trung Quốc.

Từ Bắc vào Nam, có dấu hiệu cái mới đang đẩy lùi dần cái cũ. Ngay bên dưới một bảng quảng cáo cho đồ đạc phòng tắm từ đại công ty Kohler của Mỹ là một phụ nữ trên đồng ruộng, đội một chiếc nón lá và chăm sóc các cây lúa xanh màu ngọc bích.

ĐÀ NẴNG: Chuộc Lỗi Tội Ác Chiến Tranh

Phi trường của thành phố cảng xinh đẹp này ở miền Trung Việt Nam trên Biển Đông có một bí mật rất bẩn nhưng ai cũng biết. Núp dưới bóng của đường bay hiện đại là những gì có thể được biết đến như một Superfund (Siêu quĩ) tại Mỹ. Cơ quan Phát triển Quốc tế đang làm sạch dư lượng độc hại từ 20 triệu gallons chất diệt cỏ để phá hoại mùa màng vốn đã nuôi quân Việt Cộng và những tán lá rừng nhiệt đới vốn che giấu họ. Quân nhân Mỹ đã đặt chân vào Việt Nam đều được điều trị các chứng bệnh liên quan đến chất độc màu cam này.

Tai họa hóa chất này mang tên từ các vạch (màu cam) trên những thùng vận chuyển 55 gallons và là một hỗn hợp các loại thuốc diệt cỏ có chứa dioxin. Từ năm 1962 đến năm 1971, lính Không quân Hoa Kỳ nạp các chất hóa học trên máy bay tại căn cứ không quân Đà Nẵng. Máy bay chở hàng, giống như những chiếc máy bay phun thuốc nông nghiệp, rải chất độc màu cam trên những vùng rộng lớn của đất nông nghiệp và rừng.

Tại Đà Nẵng, nhiệm vụ diệt lá xanh, được gọi là "Chiến dịch Ranch Hand," làm ô nhiễm 95.000 mét khối đất.


Dempsey đã tham quan nơi dọn dẹp, một kim tự tháp bằng bê tông xẻ chỏm để lưu giữ và làm nóng bụi bẩn cho đến khi dioxin bị tan rã. Việc dọn dẹp dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Một người quan sát ngoại cuộc, Wallace "Chip" Gregson muốn thấy Hoa Kỳ nên đẩy mạnh nỗ lực để xua đuổi một việc chết người khác cần được nhắc nhở - các loại đạn dược chưa nổ. Bom đạn của Mỹ đã san bằng từng mãng đất nước Việt Nam. Nhiều thứ đã không phát nổ nhưng vẫn còn gây chết người.

Gregson, người đã chiến đấu tại Việt Nam như một lính TQLC trẻ tuổi, nghỉ hưu vào năm 2005 như một vị tướng ba sao. Năm 2009, ông được bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng cho Vụ An ninh châu Á và Thái Bình Dương cho đến tháng tư năm 2011 Ông đến thăm Việt Nam thường xuyên và là một chuyên gia về khu vực cho Trung tâm Vì Quyền Lợi Quốc Gia.

Hoa Kỳ và Nhật Bản có công nghệ tiêu hủy được các vật liệu chưa nổ tại hiện trường, tránh được nguy hiểm của việc di dời và cho nổ ở nơi khác, Gregson nói. "Chúng ta có thể và cần phải cung cấp một số trợ giúp lớn cho họ", ông nói. "Giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng dường như là cú đánh trả phù hợp lại Trung Quốc, cũng như thực hiện một nghĩa vụ đạo đức từ thời chiến tranh."

HÀ NỘI: Việt Nam Cần Những Gì

Đó là một mối quan tâm mà Dempsey luôn nghe trong thời gian chuyến thăm của ông: Điều gì quan trọng nhất đối với Việt Nam?

"Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc," một học giả nói với ông trong một cuộc thảo luận bàn tròn với nhóm nghiên cứu địa phương.

Các cuộc đụng độ gần đây nhất bắt nguồn từ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên khoáng sản ngoài khơi và hải đảo trong vùng biển Đông. Trung Quốc đã di chuyển một giàn khoan biển sâu vào vùng biển tranh chấp và đã đánh chìm một tàu đánh cá Việt Nam gần đó vào tháng Năm.

Các phóng viên Việt Nam tại một cuộc họp báo hỏi ép Dempsey về Trung Quốc và những sự giúp đỡ gì quân đội Mỹ có thể cung cấp. Nó không phải là một cuộc chạm trán ồn ào mà Hoa Kỳ muốn tham gia nhiệt tình, ông nói. Một Trung Quốc thịnh vượng biết đối xử tốt với các nước láng giềng cũng là mục tiêu của Mỹ."Chúng tôi không cố gắng làm cho bất cứ ai phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ," Dempsey nói.

Việt Nam và Trung Quốc đã giao chiến có đến 18 cuộc chiến tranh trong hơn 2.000 năm qua, gần đây nhất vào năm 1979. Điều đó làm cho Trung Quốc là một mối bận tâm đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam không dại gì lại kích động một cuộc xung đột lớn.

Thay vào đó, lãnh đạo Việt Nam muốn có một mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ bao gồm trở thành một thành viên của Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại đang được đàm phán giữa 12 quốc gia, hứa hẹn sẽ thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu.

Người Việt Nam muốn nhìn rõ ràng hơn về những gì đang xảy ra trên đường chân trời ở Biển Đông. Quân đội của họ thiếu radar và máy bay giám sát khác, hạn chế khả năng của họ để biết những gì Trung Quốc và những người khác đang làm.

Nếu lệnh cấm vũ khí được dỡ bỏ, Dempsey cho biết, Lầu Năm Góc có thể bán cho hải quân Việt Nam những công cụ tốt hơn để giám sát biển.

TP HỒ CHÍ MINH: Tương Lai Của Việt Nam

Thành phố Hồ Chí Minh - từng được gọi là Sài Gòn và đã được đặt tên theo nhà cách mạng đã dẫn dắt miền Bắc Việt Nam chiến thắng vào năm 1975 - xung động với năng lượng. Giòng thác của các xe máy chạy qua các đường phố, nhập chung với nhiều xe hơi sang trọng gia tăng.

Dempsey cho biết ông đã tiên liệu ​​sẽ được chào đón nồng nhiệt tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng có chút ngạc nhiên khi thấy một cuộc đón tiếp tương tự tại Hà Nội.

"Tôi không biết nếu các vấn đề của di sản chiến tranh dây dưa sẽ có thể khiến họ nghi ngại chúng tôi", Dempsey nói. Thay vào đó, ông đã tìm thấy"rằng dân chúng trong thực tế đã tiến tới về phía trước. Tôi cũng chắc rằng không phải tất cả ai cũng vậy."

Tăng trưởng kinh tế, vốn đã rộn ràng ở mức cao trong nhiều năm, đã chậm lại kể từ năm 2008. Nạn tham nhũng bóp nghẹt đầu tư nước ngoài và làm nghẽn tăng trưởng, theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng U4.

Việt Nam gia nhập đàm phán xuyên Thái Bình Dương "một phần vì nó cần phải cải cách nền kinh tế của mình để cạnh tranh hiệu quả và một phần bởi vì nó nhận ra rằng tác tương tác kinh tế là nền tảng cho một mối quan hệ an ninh mạnh mẽ," Bower nói.

Nếu Việt Nam hành động ăn khớp với nhau, đất nước (này) có thể là một xứ Hàn Quốc, theo báo cáo của chính phủ, trong đó có một báo cáo của cơ quan thương mại và phát triển của Vương quốc Anh vào tháng Bảy. Giúp Việt Nam có thể làm lợi cho Hoa Kỳ.

"Tôi thường nghĩ đôi khi là đối thủ trong quá khứ của chúng ta lại có thể trở thành người bạn thân nhất ", Dempsey, 62 tuổi, đã tốt nghiệp West Point năm 1974, quá muộn để tham gia chiến tranh (Việt Nam) cho biết.

"Không phải nói rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có vài nỗ lực. Nhưng tôi nghĩ rằng có một khả năng Việt Nam có thể là một đối tác rất mạnh. Nhìn vào lịch sử của chúng ta với người Anh hay người Đức hoặc Nhật Bản. Nó có thể giống như một con phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. Đó là những gì tôi hy vọng sẽ xảy ra ở đây trong mối quan hệ này. "

Tom Vanden Brook/ USA Today
Theo Sách Hiếm

Trung Quốc có dấu hiệu leo thang hơn nữa ở Biển Đông

Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ.

J-11 Trung Quốc, hình minh họa.

Business Insider ngày 23/8 bình luận, báo cáo trong tuần này về một cuộc chạm trán cự ly quá gần giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ở Biển Đông (không phải Hoa Đông như bản tin đầu tiên của Washington Free Beacon ngày hôm qua) đã chứng minh rằng Trung Quốc không ngại hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông, bất chấp nguy cơ phải đối đầu với quân đội mạnh nhất thế giới - Hoa Kỳ.

Một chiếc J-11B (phiên bản nội địa Trung Quốc của mẫu Su-27 Nga) đã tiếp cận một cách nguy hiểm với chiếc P-8 của Mỹ đang có mặt để giám sát hoạt động tập trận quân sự "chưa từng có" của Trung Quốc gần đây đang tổ chức đồng thời ở Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Địa điểm xảy ra vụ chạm trán cách đảo Hải Nam 200 km về phía Đông hôm 19/8. Động thái này một lần nữa dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, có lúc chiếc J-11B của Trung Quốc cách chiếc P-8 của Mỹ chỉ 6,1 mét. Trong khoảng cách hết sức nguy hiểm đó, chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhào lộn, phơi bụng để lộ những vũ khí nó mang theo hòng uy hiếp chiếc máy bay của Mỹ. Washington đánh giá, đây là một hành động "thiếu chuyên nghiệp và thừa nguy hiểm".

Kirby cho biết, sở dĩ Lầu Năm Góc 3 ngày sau vụ việc mới công bố là vì muốn gửi kháng nghị tới Trung Quốc qua đường ngoại giao xem Trung Quốc giải thích thế nào về hành vi nguy hiểm này, tuy nhiên Bắc Kinh đã không có bất kỳ phản ứng nào về vụ việc.

Nan Li, một chuyên gia về chính sách quốc phòng Trung Quốc tại đại học Chiến tranh hải quân nói với Business Insider, Trung Quốc rất nhạy cảm với máy bay do thám Mỹ, nhưng Bắc Kinh có cách giải thích khá hạn chế về luật pháp quốc tế áp dụng trong khu vực xảy ra vụ chạm trán.

Thời gian gần đây tình hình Biển Đông trở nên đáng lo ngại hơn trên thế giới không chỉ bởi tranh chấp lãnh hải, tài nguyên mà còn là bởi sự lo lắng trong khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng với lịch sử cua sự nghi ngờ và thù địch giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Sự cố trong tuần này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để thực hiện một đường lối hung hăng hơn về chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc đang tìm kiếm chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đó là sự sẵn sàng để "khẳng định mình" theo những cách có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa 2 cường quốc, hoặc dẫn đến một cuộc đối đầu không lường trước được.

Theo Giáo dục Việt Nam

Ấn Độ muốn bán hệ thống tên lửa BrahMos cho Việt Nam

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang hướng vào việc xuất khẩu các hệ thống phòng vệ BrahMos cho các quốc gia như Đông Nam Á và các nước châu Mỹ Latinh.

Điều này cho thấy sự quan tâm của các quốc gia thân thiện đối với hệ thống tên lửa có tầm bắn lên đến 290 km này.


Hệ thống tên lửa hành trình BrahMos do Nga - Ấn hợp tác sản xuất.

"Một số các quốc gia Đông Nam Á và Mỹ Latinh muốn mua hệ thống tên lửa BrahMos, họ bày tỏ sự quan tâm đến loại tên lửa này, đặc biệt là các phiên bản cho lực lượng hải quân và phòng thủ bờ biển. Đã có cả một các danh sách các quốc gia đặt hàng. Chúng tôi đang thực hiện các chiến lược tiếp thị BrahMos đối với một số các quốc gia nhất định, và vấn đề này còn tùy thuộc vào mối quan hệ chính trị với cả Nga và Ấn Độ", ông Sudhir Kumar Mishra, Giám đốc điều hành của liên doanh tên lửa BrahMos Nga-Ấn cho biết.

"Chúng tôi hy vọng một số hợp đồng xuất khẩu BrahMos sẽ được ký kết với các quốc gia thân thiện với sự đồng ý của Ấn Độ và Nga trong tương lai gần", vị quan chức này nói thêm.

Ông Mishra từ chối nêu tên các quốc gia ưu tiên đặt hàng hệ thống tên lửa BrahMos này, nhưng các nguồn tin khác cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam và Indonesia ở Đông Nam Á và Venezuela ở Mỹ Latinh đã bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng mua các tên lửa này.

Trước đó, ngày 18/7 Nghị sỹ Jaitley cho biết: "Hiện Ấn Độ chưa có đề xuất nào lên Chính phủ về việc xuất khẩu hai loại vũ khí nội địa là tên lửa hành trình siêu âm BrahMos và máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas LCA".

Tuy nhiên, ông Jaitley cho biết thêm rằng, cả máy bay Tejas và tên lửa BrahMos đều là những sản phẩm "rất đáng xuất khẩu" nhưng hiện tại các cơ sở chế tạo ở Ấn Độ đang phải đáp ứng yêu cầu trước mắt là trang bị cho chính quân đội trong nước.

Tháng 12/2013, tờ Russia & India Report (RIR) dẫn một số nguồn tin quân sự thân cận cho biết, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ cung cấp loại tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos do Nga-Ấn hợp tác phát triển.

Dẫn nguồn tin thân cận, RIR nói rằng, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức về loại tên lửa BrahMos do Nga-Ấn hợp tác phát triển và được sản xuất tại Ấn Độ. Trong thời gian chờ đợi phát triển một loại tên lửa tương tự như Kh-35 Uran của Nga, Việt Nam mong muốn Ấn Độ cung cấp tên lửa BrahMos để đáp ứng với những yêu cầu cấp bách hiện nay.

Nếu Việt Nam được trang bị loại tên lửa BrahMos thì khả năng phòng thủ của Việt Nam sẽ tăng lên rất đáng kể. Và đây cũng có thể là một bước đi quyết đoán hơn nữa của Ấn Độ không chỉ nhằm củng cố Chính sách Hướng Đông mà còn gia tăng và củng cố hơn nữa mối quan hệ quốc phòng với Việt Nam và hơn nữa là nhằm bảo vệ lợi ích của Ấn Độ, một cường quốc đang lên ở châu Á.

Theo Infonet

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Trực thăng tương lai CCH

Thứ trưởng Trương Quang Khánh thăm và làm việc tại nhà máy Z111


Thứ trưởng Trương Quang Khánh thăm và làm việc tại nhà máy Z111

Tại buổi làm việc với Nhà máy Z111, Thứ trưởng Trương Quang Khánh đã kiểm tra tiến độ của Dự án Đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh do nhà máy Z111trực tiếp thực hiện. Đây là Dự án trọng điểm nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng với mục đích tiến tới hiện đại hóa từng bước trang thiết bị vũ khí bộ binh nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân việt nam.