Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Lính IS bị bắn bay xác như trong phim kinh dị


[Media] Tàu ngầm Kilo 184 Hải Phòng cập cảng Cam Ranh

Trưa 31/1, tại căn cứ tàu ngầm Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), tàu ngầm 184 Hải Phòng đã được hộ tống cập cảng an toàn, công việc tiếp nhận diễn ra đúng kế hoạch.
Sau hơn 40 ngày vượt biển, ngày 28/1, tàu vận tải Rolldock Star (Hà Lan) đã chở tàu ngầm lớp Kilo 636, có phiên hiệu 184 mang tên Hải Phòng thả neo tại vịnh Cam Ranh.

Sáng 31/1, tàu 184 Hải Phòng rời khỏi tàu vận tải Rolldock Star và được các tàu hộ tống Hải quân lai dắt cập quân cảng Cam Ranh vào trưa cùng ngày.

Tàu ngầm 184 Hải Phòng là chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636 thứ ba mà Nga đóng cho Việt Nam trong hợp đồng 6 chiếc tại Nhà máy đóng tàu Admiralty (Nga).

Đây là loại tàu ngầm tấn công hiện đại có khả năng tiêu diệt tàu ngầm, tàu mặt nước và các mục tiêu khác của đối phương.

Hiện tại, Hải quân nhân dân Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn 2 tàu 182 Hà Nội và 183 TP HCM.

Trong một vài ngày tới, tàu ngầm Hải Phòng tiếp tục làm công tác chuẩn bị, kiểm tra tình trạng kỹ thuật để được ký kết bàn giao.

Tàu ngầm 184 Hải Phòng cập cảng.

Xe cần cẩu đưa cầu thang từ cầu cảng vào với tàu ngầm Kilo 184 Hải Phòng.

Thủy thủ kíp tàu gắn biển 184 Hải Phòng khi tàu cập cảng.

Tàu ngầm 184 Hải Phòng sánh đôi cùng với tàu ngầm 182 Hà Nội.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Hải quân Việt Nam cho biết: "Việc tiếp nhận tàu ngầm 184 Hải Phòng nằm trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của tổ quốc".



VnExpress, Tiền Phong

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Tàu ngầm Hải Phòng nhìn từ trên cao


Ảnh chụp tàu Rolldock Star chở tàu ngầm HQ 184 mang tên Hải Phòng tiến vào vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để chuẩn bị lai dắt vào cảng Cam Ranh.

Đài Loan tập trận giả định tình huống TQ tấn công (video)

Hôm qua, Hải quân Đài Loan đã tổ chức diễn tập tình huống đối mặt với một cuộc tấn công giả định từ phía Trung Quốc.


Cuộc tập trận có bắn đạn thật, mô phỏng một cuộc tấn công đổ bộ từ lực lượng đối phương tại cảng Kaohsiung trên một tàu Trung Quốc và sau đó thêm một số cơ sở cảng khác.

Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 99 của Đài Loan được lệnh phản kích chiếm lại cơ sở này. Đơn vị này đã triển khai một phương tiện bay không người lái để thu thập tin tình báo về khu vực bị chiếm đóng trước khi tung ra một cuộc phản công.

Cùng với các đội mặt đất, các tay súng bắn tỉa của hải quân đã được triển khai để bắn vào các tòa nhà bị chiếm đóng sau đó là một cuộc tấn công vào các tòa nhà bị chiếm để chiến thắng đối phương.

Trong cuộc diễn tập này người ta thấy có hai chiếc xe tấn công đổ bộ và một hệ thống tên lửa chống tăng nội địa cũng được triển khai. Cuộc diễn tập này được mở công khai cho các phương tiện truyền thông Đài Loan đến đưa tin.

Thông thường, mỗi năm trước dịp năm mới, quân đội Đài Loan lại tổ chức các chuyến thăm quan cho phương tiện truyền thông đến một số đơn vị quân đội để giới thiệu sự sẵn sàng chiến đấu của họ để bảo vệ lãnh thổ trước bất kỳ một cuộc tấn công nào. Lục quân và Không quân Đài Loan cũng đã tổ chức một cuộc diễn tập tương tự vào ngày 27/1 vừa qua.






Lần đầu Việt Nam lộ doanh thu DN quốc phòng

Trang tin quốc phòng và tình báo của Nga đã đăng tải những thông tin về doanh thu của DN thuộc Bộ quốc phòng Việt Nam.


Việt Nam tự sản xuất súng chống tăng

Trang tin về quốc phòng và tình báo Janes.com cho biết, năm 2014, doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, đạt 292 nghìn tỷ đồng (khoảng 13,7 tỷ USD).

Trang lenta.ru dẫn nguồn từ Trang tin về quốc phòng và tình báo Janes.com cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam đã lần đầu tiên tiết lộ doanh thu thương mại của các doanh nghiệp trực thuộc.

Theo đó, năm 2014, doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng Việt Nam kiểm soát đạt 292 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 13,7 tỷ USD), tăng 18% so với năm 2013.

Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này tăng 15% so với năm 2013, đạt 46 nghìn tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của các công ty và doanh nghiệp dưới sự kiểm soát của quân đội chiếm 7% GDP. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đang tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo báo Nga, các hoạt động kinh doanh của quân đội giúp tạo ra công ăn việc làm cho quân nhân, bổ sung vào ngân sách và "đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia". Các công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam được cấp phép hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ sản xuất đến dịch vụ ngân hàng.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel là đơn vị lớn nhất của lực lượng vũ trang Việt Nam. Viettel cung cấp các dịch vụ thông tin liên lạc cả dân sự và quân sự. Doanh thu của tập đoàn trong năm 2014 lên tới 196,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 67% tổng doanh thu của tất cả các công ty và doanh nghiệp quân đội khác. Lợi nhuận trước thuế của Viettel là 42,2 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty 319, Công ty Cổ phần Nhà ở và Đô thị, Công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty Vật tư Công nghiệp… và tổ chức tài chính như Ngân hàng Quân đội cũng là những đơn vị lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo báo Nga, tổng cộng có 98 tập đoàn, công ty do Bộ Quốc phòng kiểm soát.

Theo số liệu của Janes.com, ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2014 là 5,2 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2019, con số này sẽ tăng lên 7,5 tỷ USD.

Doanh thu quốc phòng Việt Nam mà báo Nga đưa tin tại hội nghị doanh nghiệp quân đội, tổ chức ngày 26/1.

Tịa hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Doanh nghiệp quân đội phải luôn đặt lợi ích của đất nước, của quân đội lên hàng đầu; chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước; kỷ luật của quân đội; nâng cao công tác quản trị, quản lý doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN năm 2015 và tham gia nhiều hiệp định thương mại, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu doanh nghiệp quân đội cần phải phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch Bộ Quốc phòng giao trong năm 2015; bảo đảm tăng trưởng vững chắc cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc rà soát lại ngành nghề, mô hình tổ chức kinh doanh, thoái vốn ở những nơi không hiệu quả, xử lý tồn đọng về tài chính và nâng cao cải cách thủ tục hành chính;

Xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp; thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp theo đúng kế hoạch Bộ Quốc phòng đề ra và theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng lưu ý các doanh nghiệp cần phải thực hiện tốt công tác bảo mật thông tin, coi trọng chất lượng sản phẩm, bảo đảm giá cả hợp lý, thực hiện tốt việc kiểm soát chi tiêu, khắc phục tình trạng lãi giả, lỗ thật.

Tuyết Minh/ Báo Đất Việt

Việt Nam và Philippines hướng tới quan hệ chiến lược

Việt Nam và Philippines đang siết chặt mối quan hệ - một động thái ý nghĩa sau khi Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động ở Biển Đông, gây căng thẳng tại vùng biển có thể trở thành điểm nóng. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã đến Manila hôm qua 29/01/2015 trong khuôn khổ chuyến công du hai ngày.


Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (P) tiếp đón đồng nhiệm Philippínes Del Rosario(T), Hà Nội, ngày 02/07/2014.

Mục đích của chuyến viếng thăm này nhằm bàn bạc về việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường quan hệ trong các lãnh vực an ninh, thương mại, văn hóa.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố : « Chúng tôi tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp cải thiện việc hợp tác trên cơ sở toàn diện », và nói thêm, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ ba có quan hệ đối tác chiến lược với Philippines, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Mặc dù cả đôi bên đều không muốn nói ra các nỗ lực này là nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng Việt Nam và Philippines đang dần xích lại gần nhau, trước một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong khu vực.

Quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp đẩy mạnh tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước, thông qua các cuộc tuần tra trên biển, huấn luyện và tập trận chung.

Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng trên sáu bãi đá ở quần đảo Trường Sa để bành trướng lãnh thổ, xây cầu cảng, phi đạo, các cơ sở thông tin và giám sát ; đồng thời triển khai thêm nhiều chiến hạm và tàu tuần duyên. Ông Del Rosario nói : « Việc bồi đắp hàng loạt các đảo là mối đe dọa cho tất cả chúng ta ».

Thái độ hung hăng của Trung Quốc đã khiến cho các nước láng giềng phải hợp tác chặt chẽ với nhau hơn, và trong một số trường hợp, bỏ qua những hiềm khích cũ.

Tháng 12/2014, Việt Nam đã ủng hộ việc Philippines kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc tại La Haye. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện, nhưng Manila hy vọng sẽ có được phán quyết trong năm tới. Cũng trong năm ngoái, Việt Nam và Philippines đã tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về hải quân, và hai chiến hạm mạnh nhất của Việt Nam đã ghé thăm cảng Manila.

Một sĩ quan hải quân Philippines nói với hãng tin Reuters : « Hàng năm chúng tôi vẫn tham gia tập trận và huấn luyện với quân đội Hoa Kỳ, và nay rất muốn tập trận chung với Hải quân Việt Nam ».

RFI

Trung Quốc huấn luyện quân sự tập trung vào‘chiến tranh cục bộ’

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hoạt động huấn luyện quân sự của Trung Quốc trong năm 2015 sẽ tập trung vào việc "nâng cao năng lực chiến đấu" để giành chiến thắng trong những cuộc "chiến tranh cục bộ" trong môi trường bất lợi và công nghệ cao.


Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết quân đội Trung Quốc "sẽ kiên quyết duy trì những tiêu chuẩn của việc nâng cao khả năng chiến đấu," cũng như sẽ "tham gia thêm nhiều hoạt động huấn luyện tập trận chung và cạnh tranh với các quân đội nước ngoài để nâng cao khả năng chiến thắng trong các cuộc chiến tranh cục bộ."

Những lĩnh vực mà quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện bao gồm trong "môi trường điện từ phức tạp ở những địa hình đặc biệt và trong thời tiết khắc nghiệt," phát ngôn viên này nói thêm, trích dẫn một chỉ thị mới về huấn luyện cho năm 2015. Ông không đưa ra ví dụ cụ thể.

Ông Dương không nói rõ ý nghĩa của những cuộc "chiến tranh cục bộ" này là gì. Trung Quốc gần đây đã vướng vào những cuộc đối đầu đôi khi căng thẳng với Nhật Bản và Philippines trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, giữa lúc có lo ngại rằng những tranh chấp này có thể dẫn đến xung đột vũ trang .

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cũng cho biết kể từ năm 2008, Trung Quốc đã mở rộng tầm hoạt động của hải quân sang Ấn Độ Dương cho các hoạt động bao gồm hộ tống và chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và y tế, và tìm kiếm cứu nạn.

Ông Dương nói trong quá trình đó Trung Quốc có thông báo cho các nước liên quan về hoạt động này và đây là những hoạt động hoàn toàn bình thường, không cần phải chú ý thái quá.

Nguồn: Tân Hoa Xã, AFP

VN ngưng hoạt động trực thăng Huey sau tai nạn

Quân đội Việt Nam ngày 30/1 loan báo tạm ngưng hoạt động các trực thăng mà Mỹ dùng trong cuộc chiến Việt Nam trước đây, sau khi xảy ra tai nạn chết người.


Hôm 28/1, một chiếc UH-1 ‘Huey’ bị rơi ngay sau khi cất cánh từ thành phố Hồ Chí Minh trong một chuyến bay huấn luyện, khiến 4 sĩ quan thiệt mạng.

AP hôm nay dẫn lời Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn, cho hay tất cả trực thăng UH-1 sẽ đình chỉ hoạt động để kiểm tra bảo trì.

Ông Tuấn nói kết quả điều tra cho thấy tổ bay đã phát hiện bộ điều khiển của chiếc trực thăng lâm nạn có trục trặc nhưng đã không sửa được.

Ông cho biết, chiếc trực thăng bị rơi tuần này đã được đại tu ở Mỹ hồi năm 2012.

Đây là một trong khoảng 50 chiếc UH-1 không lực Hoa Kỳ dùng trong chiến tranh Việt Nam bị quân đội cộng sản Bắc Việt tịch thu sau chiến thắng năm 1975.

Đối mặt trước các hành động quyết liệt của Trung Quốc tranh dành chủ quyền, Việt Nam đang tăng cường hiện đại hóa quân sự với các hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và một số máy bay chiến đấu của Nga. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chờ nhận về một số tàu tuần tra từ Nhật và Ấn.


Theo AP/Lao dong

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Trung Quốc sẽ triển khai S-400 phòng thủ trước Đài Loan, Nhật, Hàn và Việt Nam

Nga và Trung Quốc đã ký hợp đồng bán cho Bắc Kinh 6 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, trang Strategy Page của Mỹ đưa tin.


Theo hợp đồng, Trung Quốc sẽ trả cho mỗi tiểu đoàn S-400 là 500 triệu USD. Hợp đồng còn bao gồm cả các dịch vụ đào tạo các kíp xe chiến đấu, cung cấp phụ tùng và tên lửa bổ sung. Việc ký hợp đồng hiện chưa được chính thức xác nhận.

Stategy Page cho biết, biên chế của mỗi tiểu đoàn gồm 8 bệ phóng x 2 tên lửa mỗi bệ, 1 xe chỉ huy, 1 đài radar và 16 tên lửa dự phòng.

S-400 còn được biết đến với các cái tên S-300PMU-3, SA-21 hay Triumf và đã được đổi tên thành S-400 vì nó vượt xa một biến thể nâng cấp của S-300 và có những khác biệt lớn. Nga đã triển khai tiểu đoàn S-400 đầu tiên vào năm 2010 ở ngoại ô Moskva.

S-400 tương tự Patriot của Mỹ và đặc biệt chú ý đến các biện pháp đối phó điện tử hiện nay hay tương lai của Mỹ. Các tên lửa lớn hơn, có tầm bắn xa hơn và rất đắt tiền. Nga bắt đầu tìm cách xuất khẩu S-400 vào năm 2011.

Tên lửa của S-400 có trọng lượng 1,8 tấn, chiều dài 8,4 m và đường kính khoảng 0,5 m. Tên lửa có tầm bắn khoảng 400 km và có thể tiêu diệt mục tiêu bay cao 31.000 m. Tên lửa mang đầu đạn 145,5 kg. Radar bắt mục tiêu có tầm 700 km. Tên lửa có tuổi thọ 15 năm.

Hệ thống S-400 thực tế có 2 loại đạn tên lửa, một trong số đó nhỏ hơn và có tầm bắn ngắn hơn, chỉ 120 km. Mỗi bệ phóng mang 4 tên lửa giống như S-300. Loại tên lửa lớn hơn thực ra có 2 biến thể, một có tầm bắn 250 km và một loại đắt hơn có tầm 400 km. S-400 chưa từng tham chiến, song tình báo Mỹ tin rằng, các cuộc thử nghiệm S-400 đã cho thấy đây là hệ thống phòng không cực mạnh.

Nga dự định mua đến 200 bệ phóng (mang 2 hoặc 4 tên lửa) vào năm 2015, và loại bỏ các hệ thống cũ S-300, S-200. Điều đó có nghĩa là triển khai ít nhất 18 tiểu đoàn đến năm 2017 và 56 tiểu đoàn vào năm 2020 (hoặc tổ chức thành 28 trung đoàn, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn).


Theo mil.news.sina.com.cn, tiểu đoàn S-400 đầu tiên sẽ được triển khai trên bờ biển đối diện Đài Loan và cũng đủ để khóa chặt toàn bộ không phận Đài Loan, các tiểu đoàn còn lại sẽ được triển khai đối phó với Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc.

Tháng 11/2014, tờ Vedomosti đã viết về việc Nga và Trung Quốc ký hợp đồng bán 6 tiểu đoàn S-400 trị giá ước 3 tỷ USD. Có tin, hợp đồng đã được ký vào đầu mùa thu năm 2014. Sau đó, Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự đã bác bỏ thông tin về hợp đồng và nói rằng, “vấn đề còn chưa được giải quyết”.

Nga và Trung Quốc đàm phán mua bán S-400 từ năm 2012. Hồi đó, có tin các hệ thống S-400 đầu tiên có thể chuyển giao cho Bắc Kinh sớm nhất là vào năm 2017 và chỉ sau khi đáp ứng phần lớn nhu cầu của quân đội Nga. Tháng 3/2014, có tin Tổng thống Nga Putin đã phê chuẩn bán S-400 cho Trung Quốc, còn tháng 7/2014, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov xác nhận Bắc Kinh sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400.


Theo VietNamDefence

Báo Trung Quốc kêu gọi dùng kinh tế để giữ Việt Nam không theo Mỹ

Trong ấn bản trên mạng ngày 25/01/2015, Hoàn Cầu Thời báo, dựa theo bài phỏng vấn ông Chu Phương Ngân (Zhou Fangyin), giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, đã có bài viết : "Đòn bẩy thương mại có thể ngăn chặn Việt Nam quay sang với Mỹ".


Vòng đàm phán mới về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương được nối lại vào vào thứ Hai, 26/01/2015. Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ngày 07/01, bắt tay ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Osius đã nói với ông Dũng rằng Nhà Trắng có thể mềm dẻo hơn để các cuộc thương lượng có thể được hoàn tất vào tháng Ba và Quốc hội thông qua vào tháng Năm.

Các cuộc đàm phán kéo dài, được khởi động cách nay hơn 5 năm, dường như đi vào giai đoạn cuối khi Hoa Kỳ có một vài nhượng bộ. Hà Nội hy vọng hiệp định kinh tế này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là về lâu dài, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Hơn nữa, các căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm người đỡ đầu nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Hoa Kỳ là một sự lựa chọn tốt nhất.

Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Cho dù còn có đối kháng lâu dài, đây là dịp tạo ra một sự thúc đẩy quan trọng để hai bên xích lại gần nhau. Nhượng bộ của Washington trong đàm phán về TPP là một món quà cho Hà Nội, nhưng món quà này có cái giá phải trả của nó.

Lịch sử đã hàng triệu lần chứng mình rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ nhượng bộ trong đàm phán mà không có lý do, đặc biệt là khi Mỹ đang ở thế thượng phong. Trong trường hợp này, sự nhượng bộ của Washington không chỉ là một trò chiến thuật để hỗ trợ cho các lợi ích nhỏ mọn, mà đó một tính toán chiến lược có thể tác động đến toàn cảnh chính trị khung vực.

2015 cũng sẽ là năm sôi động chính trị đối với Việt Nam, Đại hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản sẽ lựa chọn một ban lãnh đạo mới vào tháng Giêng năm 2016. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng mãn nhiệm của Việt Nam, có thể đã nhắm với vị trí cao nhất là Tổng Bí thư đảng cầm quyền. Trên chính trường Việt Nam bị chia rẽ, ông Dũng, người đại diện cho phe thân Mỹ, có nhiều khả năng thay đổi mạnh mẽ chiến lược quốc gia và chính sách đối ngoại để có thêm sự dấn thân của Hoa Kỳ.

Washington đã hiểu được tiềm năng của ông Dũng như một ủy nhiệm viên hiệu quả. Biết được là Đại hội 12 có thể là cơ hội duy nhất đối với ông Dũng để nắm được quyền lực tối cao, Hoa Kỳ muốn tán dương những kết quả đạt được trong đàm phán về TPP như là một trong những thành công quan trọng của ông Dũng. Trong trường hợp này, Washington muốn dùng các trò cũ là các cuộc cách mạng mầu tại Việt Nam nhằm sử dụng Việt Nam cũng như Philippines, như một con tốt để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Vì thế, 2015 là năm quan trọng đối với quan hệ ba bên Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Cho dù Bắc Kinh và Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi quan hệ vào cuối năm ngoái sau một năm trời đối mặt với nhau, ý đồ lôi kéo Hà Nội của Washington sẽ phá vỡ một cách dễ dàng khuôn khổ mong manh về an ninh trong khu vực, gây ra những nguy cơ đối với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Như thế, điều mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nước láng giềng phương nam sẽ là một tình hình còn sôi động hơn những gì mà Trung Quốc đã trải qua trong năm 2014.

Ngược với Hoa Kỳ, nước trơ tráo can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, Trung Quốc có thể sử dụng những phương tiện dễ được chấp nhận hơn để giúp Việt Nam thu được những mối lợi từ quan hệ song phương tích cực. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đứng về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh cũng sẽ có những biện pháp trừng phạt.

Nhằm ngăn ngừa việc Hà Nội tiếp tục nghiêng về phía Washington, Bắc Kinh cần có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề để làm dịu tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nếu không, khi căng thẳng gia tăng, có nhiều khả năng Việt Nam lúng túng và trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ.

Trung Quốc cần triệt để khai thác các lợi thế truyền thống như là đối tác thương mại chính của Việt Nam và sử dụng các biện pháp kinh tế đa dạng, đặc biệt là đầu tư, nhằn thúc đẩy cơ sở hạ tầng và sức mạnh kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc phải gia tăng nỗ lực phát triển kết nối giữa hai nước, như đẩy mạnh dự án Con đường tơ lụa thế kỷ 21. Các mối lợi thực sự sẽ làm cho Việt Nam trở nên sáng suốt để cân nhắc giữa theo và chống khi đưa ra các quyết định liên quan đến Trung Quốc và Hoa Kỳ.

RFI

Mỹ hoan nghênh Nhật mở rộng tuần tra sang Biển Đông

Hoa Kỳ tuyên bố sẽ hoan nghênh việc Nhật Bản mở rộng tuần tra trên không sang vùng Biển Đông để làm đối trọng với đội tàu ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.


Máy bay Lực lượng Phòng thủ Nhật Bản tuần tra không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, biển Hoa Đông, 13/10/2011

Tokyo không có lợi ích lãnh thổ nào ở vùng Biển Đông, trong khi Trung Quốc đòi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển này, kể cả tại những nơi mà Việt Nam, Malaysia, Philippines và Đài Loan khẳng định chủ quyền. Nhưng Biển Đông là một con đường giao thương quan trọng đối với Nhật Bản.

Tuyên bố với hãng tin Reuters hôm nay, 29/01/2015, Tư lệnh Hạm đội Bẩy của Mỹ, Đô đốc Robert Thomas cho rằng, các đồng minh, các đối tác và các nước bạn trong khu vực sẽ ngày càng trông chờ Nhật Bản đảm trách nhiệm vụ làm ổn định tình hình. Theo Đô đốc Thomas, hiện giờ đội tàu cá, tàu tuần duyên và tàu hải quân Trung Quốc chiếm ưu thế áp đảo các nước láng giềng.

Kể từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chủ trương Nhật Bản đóng một vai trò quân sự mạnh hơn tại Châu Á. Hoa kỳ cũng ủng hộ việc mở rộng vai trò của Tokyo trong khu vực, vào lúc mà hai đồng minh đang thương lượng một hiệp ước an ninh song phương mới, trong khuôn khổ chiến lược « xoay trục » sang Châu Á của Tổng thống Obama. Hiệp ước mới sẽ dành cho Nhật Bản một vai trò lớn hơn trong liên minh.

Những thay đổi nói trên cũng trùng hợp với việc Nhật Bản vừa triển khai một máy bay tuần tra biển mới, chiếc P-1, với tầm hoạt động 8.000 km, gấp đôi tầm hoạt động của các máy bay hiện nay. Với máy bay mới này, Tokyo có thể mở rộng việc tuần tra sang Biển Đông.

Hiện giờ các máy bay của Nhật Bản đang tuần tra tại vùng biển Hoa Đông, nơi mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu Nhật Bản mở rộng các chuyến bay tuần tra sang vùng Biển Đông, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á có thể sẽ căng thẳng hơn nữa.

RFI

Paris đẹp nên thơ - HD


Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Hải quân Đài Loan diễn tập bắn đạn thật


Theo trang mạng Focustaiwan.tw, ngày 28/1, Hải quân Đài Loan (Trung Quốc) đã đẩy lui một cuộc tấn công giả định trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật tổ chức ở phía Nam hòn đảo này nhằm nêu bật khả năng sẵn sàng chiến đấu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vào tháng tới.

Cuộc diễn tập trên, được công khai với báo giới, diễn ra theo kịch bản một lực lượng đối địch đi trên một chiếc tàu đổ bộ vào cảng Cao Hùng và chiếm giữ một số cơ sở của cảng này.

Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 99 thuộc Hải quân Đài Loan được lệnh giành lại các cơ sở này và đã triển khai một máy bay không người lái để thu thập thông tin tình báo về khu vực bị chiếm đóng trước khi thực hành phản công.

Cùng lúc đó, các tay súng bắn tỉa của Hải quân cũng được triển khai để bắn vào các tòa nhà bị chiếm giữ và tiếp đó là một cuộc đột kích để đánh bại lực lượng đối phương. Ngoài ra, hai xe lội nước tấn công và một hệ thống rocket chống tăng nội địa cũng được huy động trong cuộc diễn tập này.

Hôm 27/1, Không quân và Lục quân Đài Loan cũng tiến hành cuộc diễn tập tương tự nhằm minh chứng khả năng sẵn sàng chiến đấu./.

Tàu ngầm Kilo Hải Phòng đón bình minh trên vịnh Cam Ranh

Sau được tàu mẹ Rolldock star chở vào đến vịnh Cam Ranh vào 18h50 phút tối 28.1, sáng nay 29.1, mọi thủ tục hải quan, kiểm tra an ninh sẽ được thực hiện để tàu ngầm kilo Hải Phòng sớm được tiếp nhận về Lữ đoàn 189, Bộ Tư lệnh Hải quân.

Hiện tàu ngầm Kilo Hải Phòng đang nằm gọn trong bụng tàu mẹ Rolldock Star, chỉ lộ cánh buồm trên nóc tàu ngầm.

Sau khi làm xong mọi thủ tục, tàu mẹ Rolldock Star sẽ được đánh chìm, cửa hậu tàu mẹ sẽ được hạ xuống để đưa tàu ngầm ra ngoài.

Danviet.vn

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Thử nghiệm thành công tàu ngầm điều khiển từ xa có thể lặn sâu 10m

(PLO)-Thời gian gần đây, người dân xứ Huế xôn xao khi một người dân đã tự mình chế tạo thành công tàu ngầm mô hình khi tàu có thể lặn và nổi mà không cần người lái.


Tàu ngầm Hoàng Sa thử nghiệm thành công trên sông Hương

Với tình yêu biển đảo quê hương, ông Lê Ngà ( 50 tuổi ) trú phường Tây Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã sáng tạo thành công tàu ngầm mô hình với tên gọi Hoàng Sa mà không cần người lái, được điều khiển thông qua hệ thống bộ điều khiển từ xa.

Tàu ngầm Hoàng Sa được ông Lê Ngà chế tạo có cấu hình bên ngoài dài 2,7 mét, đường kính thân tàu 0,4 mét, chiều cao của tàu dài 1 mét, nặng 120 kg.

Để tạo nên thân tàu, ông Ngà đã tận dụng vật liệu sẵn có là bình ga công nghiệp, sau đó gia công thêm đầu tàu và thân tàu vào. Phía sau đuôi tàu là hệ thống chân vịt làm từ chân vịt chạy ghe thuyền, có lớp bảo vệ bên ngoài tránh rác mắc vào chân vịt khi tàu lặn sâu.

Với hình dáng bên ngoài nặng nề như vậy nhưng tàu ngầm Hoàng Sa lại hoạt động bằng hệ thống pin, điều khiển từ xa không người lái. Tàu có thể chạy 1 tiếng đồng hồ dưới nước sau 1 lần sạc pin.

Để tàu ngầm có thể lặn, nổi lên ý muốn, ông Ngà đã chế tạo bên trong tàu hai ngăn chứa nước, nước vào khoang thì tàu sẽ chìm, tàu nổi lên khi có hệ thống mô tơ tự động phun nước ra ngoài.

Bên cạnh đó, tàu ngầm Hoàng Sa còn được trang bị hệ thống camera ở phía đầu tàu để có thể quan sát xung quanh. Với bề dày vỏ tàu 5cm, tàu Hoàng Sa có thể chịu áp lực của dòng nước khi lặn xuống sâu. Điều khác lạ của tàu ngầm Hoàng Sa do ông Lê Ngà chế tạo so với các tàu ngầm Trường Sa, Yết Kiêu là không cần người lái bên trong mà có thể điều khiển từ xa bằng bộ điều khiển.


Chiếc tàu ngầm Hoàng Sa đã hoàn chỉnh

Ông Ngà cho biết: “Trước khi tôi sáng chế tàu ngầm Hoàng Sa điều khiển bằng bộ điều khiển thì ở Việt Nam không có ai chế tạo thành công, nên gặp khó khăn khi muốn tìm hiểu nguyên lý hoạt động của tàu. Hơn 10 năm tham gia CLB máy bay mô hình đã cho tôi hiểu về cách vận hành điều khiển từ xa, thế là tôi áp dụng điều khiển từ xa của máy bay vào tàu ngầm. Muốn làm được thì phải thông thạo về nguyên lý hoạt động của điện và cơ khí”.

Để tạo nên chiếc tàu ngầm mô hình mang tên Hoàng Sa điều khiển từ xa ông Ngà đã mất hai năm nghiên cứu và gia công. Năm 2012 công việc chế tạo tàu ngầm được ông Ngà tiến hành khi ông tự mình chọn lựa vật liệu cho đến gia công bên ngoài, chế tạo bộ phận bên trong. Cuối năm 2014 chiếc tàu ngầm Hoàng Sa đã được đưa ra sông Hương cho hoạt động thử sau nhiều lần thử nghiệm ở bể bơi. Tại buổi thử nghiệm trên sông Hương, tàu ngầm đã phối hợp với bay mô hình biểu diễn và cho kết quả thành công khi con tàu di chuyển một cách nhẹ nhàng trên mặt nước với vận tốc của một người đi bộ.


anh Ngà cùng chiếc tàu ngầm Hoàng Sa

“Khi thấy trên truyền hình Nhà nước ta bắt đầu tiến hành thương thảo mua tàu ngầm từ Nga về trang bị cho hải quân, khi đó ở Thái Bình có người sáng tạo thành công tàu ngầm tự lái mang tên quần đảo Trường Sa. Bản thân tôi là một người dân Việt Nam yêu nước, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ của đất nước. Chính tình yêu biển đảo là lý do chính thôi thúc bản thân tôi nghiên cứu và chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa, mặc dù công việc này tốn nhiều thời gian và tiền bạc” Ông Ngà chia sẽ.

Mặc dù tàu ngầm Hoàng Sa đã hoạt động bằng bộ điều khiển từ xa, nhưng ông Lê Ngà vẫn còn trăn trở khi tàu vẫn chưa hoàn chỉnh lắm. Bộ điều khiển tàu ngầm hiện nay là tận dụng bộ điều khiển từ máy bay mô hình nên chỉ cho phép tàu có thể lặn sâu 10 m, sâu quá thì tàu mất tín hiệu. Nếu tương lai có bộ điều khiển chuyên cho tàu ngầm thì tàu có thể lặn sâu hơn, tìm kiếm vật thể lạ và tìm kiếm xác người chết đuối thông qua hệ thống camera gắn bên trong tàu.

Trước khi chế tạo thành công tàu ngầm mô hình Hoàng Sa, ông Ngà đã sáng chế thành công xe tăng mô hình. Với kích thước 40 cm với động cơ nổ, xe tăng có thể di chuyển lên, xuống cùng với nòng pháo xoay tròn. Bên cạnh đó ông Ngà đang ấp ủ trong thời gian tới sẽ chế tạo một máy bay mô hình lên thẳng kiểu máy bay F135 của Hoa Kỳ.

PLO.vn

Album nhạc: Tình lỡ - xin còn gọi tên nhau

...

Thụy Điển ra mắt chiến đấu cơ mới Saab Gripen C


Saab JAS 39 "Gripen" (Griffin hay "Gryphon") là một loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ do công ty hàng không Saab Thụy Điển phối hợp với Ericson (hệ thống điện tử) và Volvo (động cơ) chế tạo.

Loại máy bay này đã phục vụ trong Không quân Thụy Điển, Không quân Cộng hòa Czech và Không quân Hungary, và đã được Không quân Nam Phi, Không quân Thái Lan đặt hàng. Tháng 4 năm 2007, Na Uy đã ký một thoả thuận về một chương trình phát triển chung loại máy bay này.

Phiên bản Gripen C tương thích với NATO của Gripen với khả năng sử dụng vũ khí, điện tử, vân vân được nâng cấp.

Google phủ dóng wifi bằng khinh khí cầu

Dự án này sẽ đưa hàng ngàn khinh khí cầu lên không trung để đưa mạng Internet đến những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất trên thế giới. Nhằm duy trì được thông tin liên lạc ngay cả khi các thảm hoạ thiên nhiên hoành hành và thu hẹp khoảng... (27/01/2015)

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Hành trình khám phá non nước Tràng An

(VnE - 23/1/2015) Đi thuyền qua các hang động và đền, phủ ở Tràng An chỉ kéo dài vài giờ, nhưng vén màn bức họa kiệt tác của tạo hóa nơi đây sẽ làm du khách cảm thấy thư giãn, thoải mái và mãn nhãn.

Nằm trong quần thể di sản thế giới thuộc tỉnh Ninh Bình, khu du lịch sinh thái Tràng An nổi bật với vẻ đẹp hòa quyện của non xanh nước biếc và hệ động thực vật phong phú. Ảnh: BQL Quần thể danh thắng Tràng An.

Trung tâm bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3 km, cách thành phố Ninh Bình 7 km, và cách Hà Nội 96 km. Từ lâu nơi đây đã trở thành điểm đến thú vị mỗi cuối tuần cho gia đình, bạn bè và cặp đôi muốn tìm chốn yên bình để tĩnh dưỡng.

Hiện nay, du khách đến Tràng An thường tham gia tour du lịch bằng thuyền do người dân địa phương chở, kéo dài khoảng 3 - 4 giờ.

Giá vé đò hiện nay là 150.000 đồng một người. Quy định một đò ngồi từ 4 - 5 người, dưới 4 và trên 5 người đò không được chở. Trẻ em dưới 1m được miễn phí.

Hành trình khám phá sẽ đi qua 12 hang và 3 đền là: Bến đò - Đền Trình - hang Địa Linh - hang Tối - hang Sáng - hang Đền Trần - Đền Trần - hang Đền Trần chiều ngược lại - hang Si - hang Sính - hang Tình - hang Ba Giọt - hang Nấu Rượu - Phủ Khống - hang Phủ Khống - hang Trần - hang Quy Hậu - Bến đò. Ảnh: BQL Quần thể danh thắng Tràng An.

Điều đặc biệt là ở Tràng An các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.

Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện.

Hang Địa Linh, Nấu Rượu, Ba Giọt... là những hang động gắn liền với nhiều tích xưa còn được lưu truyền. Bạn sẽ được nghe những người lái đò sông quê thuyết minh trên hành trình khám phá. Ảnh: Tuấn Đào.

Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua.

Phủ Khống là điểm du lịch tâm linh nổi bật trên hành trình bởi nơi đây thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, nơi đây có cây thị nghìn năm tuổi cho ra 2 loại quả tròn và dẹt trên cùng một thân cây, mùa nào cũng ra trái, tỏa hương thơm khắp một vùng. Ảnh: Bùi Thế Tâm

Với vẻ đẹp hòa quyện của non xanh nước biếc cùng các giá trị văn hóa, lịch sử, địa chất, địa mạo… quần thể danh thắng Tràng An đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014.

Ngày 23/1, Ninh Bình long trọng tổ chức lễ đón bằng của UNESCO ghi danh quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ảnh: BQL Quần thể danh thắng Tràng An.

Lê Thương/ VnExpress

Xem hỏa lực pháo điện từ hủy diệt của Hải quân Mỹ

Trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Khoa học Công nghệ Hỏa lực Hàng hải sắp diễn ra tại Washington DC vào ngày 4/2, Hải quân Hoa Kỳ sẽ chính thức ra mắt pháo điện từ railgun có tốc độ đạn bắn bằng 6 lần tốc độ âm thanh.

Với khả năng viên đạn nặng 10kg với vận tốc lên tới... 9.000km/h, tầm bắn 160km, khẩu pháo điện từ railgun của Hải quân Mỹ sẽ "hủy diệt" tàu chiến đối phương với lực công phá bằng 32 lần "lực va chạm với một chiếc xe 1 tấn ở vận tốc 100 km/h".

Kế hoạch xây dựng súng điện từ của Quân đội Mỹ đã kéo dài trong nhiều năm, trong đó phiên bản có thể sử dụng thực tế (có thể bắn đạn thật) mới chỉ được BAE (một công ty tư nhân của Anh) hoàn thiện vào năm 2012. Điểm đáng chú ý nhất về khẩu pháo railgun là lực phóng đạn hoàn toàn đến từ động lực – khẩu pháo này sử dụng cùng một nguyên lý với hành động... ném đá (nghĩa đen) của bạn. Công nghệ này tập trung vào tốc độ thay cho chất nổ để công phá mục tiêu, trong đó lực Lorenz do điện từ trong nòng sinh ra sẽ thay thế thuốc súng để giúp đạn phóng đi nhanh hơn, xa hơn.

Bản thử nghiệm của railgun cách đây 3 năm


Đây sẽ là tàu chiến trang bị railgun


Theo kế hoạch ban đầu của Hải quân Mỹ, sức công phá của pháo railgun có thể sẽ lên tới 32 mega-joule; đầu đạn sẽ được điều khiển qua GPS để hướng đến mục tiêu cách 160km trong vòng 6 phút. Vào năm 2012, Hải quân Mỹ bày tỏ hy vọng có thể bắn được tới 10 viên đạn railgun trong một phút, song cho đến giờ vẫn chưa có một loại pin nào có thể cung cấp đủ điện lực để "phóng" các viên đạn này.

Tuy vậy, ngày ra mắt chính thức tại Triển lãm Khoa học Công nghệ Hỏa lực Hàng hải hứa hẹn sẽ hé lộ một vài bất ngờ thú vị về railgun. Hãy cùng chờ đợi tới sự kiện này vào ngày 4/2 sắp tới.

Theo Gizmodo, VnReview

Vũ khí Ấn Độ trong Ngày Cộng hòa

Như thông lệ, sáng 26/1, chương trình kỷ niệm chính, với lễ diễu binh, diễu hành hùng tráng đã diễn tại thủ đô New Delhi. Tổng thống Pranab Mukherjee, Phó Tổng thống Hamid Ansari, Thủ tướng Narendra Modi, Chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi, cùng lãnh đạo các lãnh đạo các chính đảng, quan chức chính phủ, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, tướng lĩnh quân đội Ấn Độ và đại diện ngoại giao đoàn đã tham dự lễ mít tinh. Tổng thống Mỹ Barack Obama được mời làm khách chính chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Ngày cộng hòa Ấn Độ năm nay.


Hoa Kỳ muốn 'là nhà đầu tư lớn nhất của VN'

Ông Ted Osius, đại sứ Mỹ mới nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam đã nhắc tới tham vọng về việc Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong những năm tới, một cựu thứ trưởng Ngoại giao nói với BBC Tiếng Việt.


Từ phải qua: Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, kinh tế gia Phạm Chi Lan và ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bên ngoài hội thảo hôm 26/01

“Bởi vì hiện nay, buôn bán hàng năm với Hoa Kỳ mới chỉ đạt 30 tỷ đô la, còn những nước khác đã lên đến 50, 60 tỷ đô la, và nếu Hoa Kỳ muốn đứng số một, vượt hơn thế, là điều rất đáng chú ý," ông Lê Văn Bàng cho biết sau hội thảo kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Hà Nội hôm 26/01.

Vị cựu Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói để cân bằng trong khu vực châu Á, Hoa Kỳ còn phải làm nhiều điều nữa, chẳng hạn như hợp tác phát triển với các nước quan trọng hơn trong khu vực, như Nhật Bản, hay những nước khác, còn “Việt Nam chỉ là nước nhỏ thôi”.

Trả lời câu hỏi về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trong hội thảo nói Việt Nam tin rằng sự can thiệp sâu hơn của Mỹ sẽ ‘có lợi cho toàn khu vực’ có phải là ý Việt Nam muốn Hoa Kỳ cân bằng lại với ảnh hưởng của Trung Quốc, ông Bàng trả lời:

“Tôi không đồng ý cách nói như thế, mà tôi cho rằng nếu Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện và hoạt động của mình ở châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ với những nước khác ở châu Á – Thái Bình Dương, sẽ đảm bảo cho quyền lợi của Hoa Kỳ ở khu vực này tốt hơn.

“Điều đó cũng có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực này.”



Việt Nam cũng được lợi hơn rất nhiều, theo vị cựu quan chức ngoại giao, khi hợp tác với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư, môi trường, cứu hộ thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển và nghiên cứu khoa học.

Thông cảm vượt qua khác biệt

Một trong những điểm nổi bật so với các hội thảo quan hệ Hoa Kỳ- Việt Nam khác, theo ông Bàng, là hai bên đã ‘hiểu nhau hơn, thông cảm với nhau hơn’ để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ phát triển hơn.

Quan chức ngoại giao của hai bên khi nói đến những khác biệt đã “gần hơn, thân thiết hơn, không như trước đây, khi nói đến những vấn đề chạm đến tự ái dân tộc, chẳng hạn như hội chứng chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, đã có những ý kiến khó chịu.”

“Nay thì không còn nữa rồi, chúng tôi cùng nói với nhau cùng cố gắng để vượt qua hội chứng đó để quan hệ tương lai được tốt đẹp hơn.”

Những khác biệt còn tồn tại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, theo ông Lê Văn Bàng, là khác biệt văn hóa, hay khác biệt về tiêu chuẩn trong dân chủ, nhân quyền. Và phía Việt Nam cũng tỏ ra không hài lòng trong việc Hoa Kỳ áp giá cao lên các sản phẩm thủy sản của Việt Nam.

Toàn văn phát biểu của ông Ted Osius đăng trên trang chính thức của Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhân Hội thảo quốc tế về 20 năm quan hệ song phương giữa hai nước, có đoạn viết:

“Mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia lớn mạnh, giàu có và độc lập, tôn trọng luật pháp và nhân quyền.”


Ông Ted Osius trả lời truyền thông Việt Nam trong sự kiện ở Hà Nội hôm 26/01

Ông Puneet Talwar, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, quân sự, cũng nói tại học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 23/01 rằng, 2015 là năm 'mang tính lịch sử', đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ông nói hoạt động hợp tác an ninh giữa hai nước đã bắt đầu mang lại nhiều thành quả, nhưng "vẫn còn nhiều việc cần làm".

Đề cập đến căng thẳng trên Biển Đông, ông cho biết Washington tiếp tục ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của khối ASEAN nhằm giải quyết mâu thuẫn, trong đó bao gồm việc đi đến Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).

"Chúng tôi không hề do dự bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng với các cấp cao nhất, trong đó bao gồm các lãnh đạo Trung Quốc", ông nói.

Hội thảo 'Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa' do Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ (CSIS) và Đại học Portland (Hoa Kỳ) tổ chức.

BBC