Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Bắc Kinh đưa đảo có tranh chấp ở Biển Đông vào hệ thống quản lý đất đai

Chính quyền Bắc Kinh tiến xa thêm một bước trong việc đơn phương khẳng định chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ đang có tranh chấp. Theo báo chí Trung Quốc, cơ quan đăng ký quyền sở hữu đất đai mà Bắc Kinh thành lập hồi đầu năm 2014, từ nay, sẽ phụ trách cả các vùng biển và đảo đang có tranh chấp tại Biển Đông.


Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt trụ sở thành phố Tam Sa. Ảnh chụp từ vệ tinh. Ảnh : hoangsa.org

Theo báo « Economic Observer », có trụ sở tại Bắc Kinh, trích dẫn nguồn tin từ cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản, trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, tất cả các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh coi là của Trung Quốc, sẽ được đưa vào hệ thống quản lý, đăng ký quyền sở hữu ; quyền sở hữu bất động sản của các doanh nghiệp, và của người dân Trung Quốc sống trên biển và các đảo được pháp luật bảo vệ.

Đặc biệt là theo quy định mới về việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của Trung Quốc, khái niệm « bất động sản » bao gồm « đất đai, biển, nhà cửa và các công trình xây dựng, kết cấu khác tại đó, rừng, cây và những vật cố định khác ».

Những ai đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên, thì phải nộp bản đồ phân định ranh giới trên biển, tài liệu chấp thuận dự án, cũng như các hợp đồng liên quan, giấy phép và các xác nhận khác.

Nguồn tin trên cũng khẳng định là Tam Sa, một thành phố mà Trung Quốc mới thành lập năm 2012, thuộc tỉnh Hải Nam, nằm trong hệ thống quản lý đăng ký quyền sở đất đai. Theo phân cấp của Bắc Kinh, Tam Sa quản lý nhiều quần đảo và bãi đá ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), Trường Sa (tức Nam Sa theo Bắc Kinh) và quần đảo Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).

Quyết định của Trung Quốc đưa các vùng biển và quần đảo đang có tranh chấp ở Biển Đông vào hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu bất động sản càng làm gia tăng mối lo ngại trước thái độ hung hăng và quyết đoán của Bắc Kinh, nhằm thực hiện chiến lược bành trướng lãnh thổ.

Đức Tâm/ RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét