Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Phó Chủ tịch tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Mỹ thăm Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Ông Patrick M. Dewar, Phó chủ tịch đặc trách phát triển thương vụ quốc tế của tập đoàn kỹ nghệ quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, cùng một phái đoàn tới Việt Nam thảo luận với Bộ Quốc Phòng nước này.


Máy bay tuần biển, chống tàu ngầm Orion P-3 do công ty Lockheed sản xuất đang được Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới sử dụng. Hà Nội đang muốn mua. (Hình: AFP/Getty Images)

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) chỉ đưa ra một bản tin ngắn nói “Chiều 20/1/2015, tại Hà Nội, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp ngài Patrick M. Dewar, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Lockheed Martin nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam”.

Theo TTXVN tướng Khánh “đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Lockheed Martin trong hợp tác với các công ty của Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực công nghệ thông tin và các dự án khác tại Việt Nam”. Đồng thời thuật lời ông Dewar nói “Thời gian tới, Tập đoàn Lockheed Martin mong muốn có cơ hội được hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam trên các lĩnh vực mà phía Tập đoàn có thế mạnh”.

Tập đoàn Lockheed Martin là một trong những nhà thầu hàng đầu cung cấp trang bị quốc phòng cho quân đội Hoa Kỳ với những sản phẩm tối tân nhất từ vệ tinh, hỏa tiễn, chiến đấu cơ, hệ thống tác chiến điện tử. Khoảng 74% lợi tức của công ty đến từ bán sản phẩm cho quân đội Mỹ.

Việt Nam cũng từng là khách hàng của Lockheed Martin khi mua hai vệ tinh viễn thông và hệ thống kiểm soát. Hai vệ tinh này hiện đang bay trên quỹ đạo.

Không có một chi tiết nào về phái đoàn của ông Dewar thảo luận tại Việt Nam được tiết lộ. Hồi Tháng Tư năm 2013, theo một bản tin trên tạp chí anh ninh quốc phòng nổi tiếng Jane's Defense và tạp chí Military Industry Today, ông Clay Fearnow, giám đốc chương trình tuần tra biển của Lockheed Martin nói cho biết như vậy tại của triển lãm hàng năm LAAD Defense and Security 2013 tổ chức ở Rio de Janeiro (Ba Tây).

“Nhà cầm quyền CSVN dự trù yêu cầu chính phủ Mỹ chấp thuận bán cho một số máy bay tuần tra biển P-3 Orion”. Thời gian đó, tạp chí Jane thuật lại như vậy và nói Hải quân của Hà Nội muốn mua số lượng lên tới 6 chiếc P-3 Orion “thặng dư” hiện đang tồn kho để tuần tiễu 3,500km bờ biển và 1,396,299 km2 vùng biển đặc quyền kinh tế (EEZ).

“Hải quân Việt Nam rất muốn mua các chiếc P-3 mà (chính phủ Mỹ) hậu thuẫn cho chương trình này tiến hành”. Ông Fearnow nói.

Tuy nhiên, theo lời ông, các chiếc máy bay P-3 Orion nếu bán cho Việt Nam chỉ có các trang bị điện tử săn tìm, không có trang bị võ khí tiêu diệt hay tấn công (tàu chiến hay tàu ngầm). Thí dụ chỉ được trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại tuyến FLIR (Forward Looking Infrared) và các hệ thống điện tử khác.

Tin tức bán máy bay tuần tra biển Orion P-3 lại được hâm nóng hồi đầu Tháng 12/2014 khi Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Phạm Bình Minh đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Khi tiếp ông Minh, Bộ ngoại giao Mỹ cho hay ngoại trưởng John Kerry đã thông báo là Hoa Kỳ quyết định hủy bỏ một phần cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam.

Tuy lệnh cấm vận được bãi bỏ một phần nhưng chỉ cứu xét từng trường hợp một và cũng còn tùy thuộc vào sự tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam. Mọi quyết định bán võ khí cho nước ngoài đều phải được thông qua tại Quốc Hội mà không ít dân biểu từng biểu quyết chấp thuận các nghị quyết lên án nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục đàn áp nhân quyền.

Ông Patrick M. Dewar (trái), một Phó chủ tịch của tập đoàn kỹ nghệ quốc phòng Lockheed Martin thảo luận với tướng Trương Quang Khánh, thứ trưởng Quốc phòng CSVN tại Hà Nội. (Hình: QĐND)


Ông Patrick M. Dewar (trái), một Phó chủ tịch của tập đoàn kỹ nghệ quốc phòng Lockheed Martin thảo luận với tướng Trương Quang Khánh, thứ trưởng Quốc phòng CSVN tại Hà Nội. (Hình: QĐND)

Một số tướng lãnh hàng đầu Hoa Kỳ từng tới Hà Nội những tháng gần đây, gồm cả Chủ tịch liên quân Martin Dempsey đến Việt Nam hồi Tháng 8-2014. Một số ít tin tức hé lộ cho thấy Hoa Kỳ có thể ưu tiên giúp Việt Nam cải thiện khả năng phòng vệ biển như cung cấp một số tàu tuần và máy bay tuần tra biển.

Giữa tháng 12/2014, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương cùng một phái đoàn đến Hà Nội bàn chuyện “hợp tác Hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực thúc đẩy quan hệ quốc phòng hai quốc gia”, theo TTXVN.

Mới ngày 19/1/2015, Đại tướng Vincent Brooks đang đảm nhiệm chức Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ “đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam”, theo TTXVN.

Phái đoàn ông Patrick M. Dewar đặc trách phát triển thương vụ quốc tế đến Hà Nội lúc này chắc không phải là đi du lịch hay trốn bão tuyết ở Hoa Thịnh Đốn. (TN)

(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét