Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

Nhập siêu có thể vượt 50 tỷ đô

Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong năm 2015 có thể vượt mốc 50 tỷ USD.

Câu chuyện giảm nhập siêu và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã được nói nhiều, nhất là thời gian gần đây ý chí giảm phụ thuộcTrung được bàn tới với đầy quyết tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ qua 2 tháng đầu năm 2015 nhìn vào con số nhập khẩu được Tổng cục Hải quan thống kê cho thấy, chẳng những tình hình không được cải thiện, mà còn có chiều hướng tăng thêm.

Chỉ trong tháng 1/2015, cả nước đã nhập khẩu 4,481 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Con số này tăng gần 194 triệu USD so với kim ngạch trong tháng 12/2014 và tăng tới 1,64 tỷ USD so với thời điểm tháng 1/2014.


Biểu đồ: Trị giá xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2015

Nếu với đà nhập khẩu như trong tháng 1/2015 vừa qua thì cả năm 2015 tổng trị giá kim ngạch hàng hóa NK từ Trung Quốc đã vượt con số 53 tỷ USD (4,481 tỷ USD nhân cho 12 tháng).

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng: trong tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này là 2,58 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng mạnh 61,7% so với tháng 1 năm 2014.

Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng đầu năm 2015 có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc với 910 triệu USD, tăng 53% so với tháng 1/2014 và chiếm 35% tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Trong tháng qua, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 71 nghìn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Trên thực tế, mức tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đều đặn duy trì từ nhiều năm trở lại đây, cứ năm sau lại cao hơn nhiều lần năm trước.

Năm 2014, kim ngạch NK từ Trung Quốc đạt 43,867 tỷ USD tăng 6,93 tỷ USD so với năm 2013 (năm 2013 đạt 36,937 tỷ USD); trong khi năm 2013 tăng tới 8,153 tỷ USD so với năm 2012 (năm 2012 đạt 28,784 tỷ USD); và năm 2012 tăng gần 4,2 tỷ USD so với năm 2011 (năm 2011 đạt 24,593 tỷ USD).

Theo ông, Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) có hai nhóm mặt hàng khiến Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nhất.

Nhóm mặt hàng thứ nhất là máy móc, thiết bị do dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng tăng mạnh, sẽ là mặt hàng đầu tiên làm cho nhập siêu quay trở lại.

Thứ hai, lượng ô tô NK trong năm 2014 đạt 1,59 tỷ USD. Ngoài việc hàng rào thuế quan giảm khiến lượng ô tô NK về tăng còn có lý do nhu cầu tiêu dùng tăng. Cùng với ô tô, mặt hàng điện thoại di động, các loại máy tính, linh kiện điện tử nhập về cũng tăng đáng kể. Khi niềm tin tiêu dùng tăng lên, xu hướng sử dụng hàng xa xỉ còn tiếp tục tăng trong năm 2015. Đây là nhóm mặt hàng thứ 2 tạo ra nhập siêu.

ThS. Phạm Bích Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng VN nhập siêu lớn từ Trung Quốc và đang nhập rất nhiều máy móc thiết bị. Điều này khiến VN không có công nghệ nguồn, khó thay đổi cơ cấu theo hướng hiện đại...

Theo bà Ngọc, VN đã lệ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc khi bán hàng sơ chế, nhập hàng tinh chế, cả máy móc thiết bị từ Trung Quốc. Chỉ trong vòng một thập kỷ, nhập siêu tăng gần 200 lần và chưa có xu hướng giảm, điều này thể hiện sự yếu kém của nền kinh tế.

Đã có ý kiến "VN đang bán hàng Trung Quốc sang Mỹ" vì VN chủ yếu nhập nguyên vật liệu Trung Quốc, chỉ gia công rồi xuất khẩu sang EU, Mỹ.

Như vậy, mong muốn cải thiện cán cân thương mại để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc rộ lên ở thời điểm biển Đông dậy sóng hồi tháng 5/2014 vẫn chỉ là “ý chí”, còn thực tế buôn bán với thị trường này vẫn theo guồng quay vốn đã được hình thành trong hơn một thập kỷ trở lại đây theo hướng chúng ta ngày càng thất thế hơn.

Đúng như TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam từng phân tích với Đất Việt rằng: "Thực sự không nhìn thấy sự nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của chúng ta trong thời gian qua".

Theo TS Thiên, trong tương quan thị trường thì chúng ta vẫn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu đầu vào vẫn nặng nhất ở thị trường này. Số liệu xuất siêu với cả thế giới là 2 tỉ đô la Mỹ nhưng nhập siêu riêng với Trung Quốc là hơn 30 tỉ đô la Mỹ.

Con số này cho thấy bao nhiêu cố gắng xuất siêu với thế giới lại đổ sang bù vào nhập siêu ở thị trường Trung Quốc.

Điều này cho thấy một sự thiên lệch rất ghê gớm. Đó là chưa kể con số buôn lậu, nhập khẩu tiểu ngạch là chưa tính hết được", ông Thiên nói.

An An (tổng hợp)/ Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét