Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Căng thẳng biên giới Việt Nam-Cam Bốt và nhân tố Trung Quốc


(Paris, RFI-03/8/2015) Trong bối cảnh quan hệ Phnom Penh-Bắc Kinh ngày càng thêm chặt chẽ, đặc biệt trong lãnh vực quân sự, giới quan sát không tránh khỏi gắn liền căng thẳng biên giới Việt Nam-Cam Bốt (Campuchia) vừa nổi lên, với tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang muốn yên ổn bồi đắp đảo nhân tạo, bị tình nghi là sẽ được dùng làm những tiền đồn để áp đặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên toàn khu vực.



Vào lúc Việt Nam đang phải tập trung suy nghĩ về đối sách chống lại tham vọng ngày càng rõ nét của Trung Quốc trên Biển Đông, muốn nuốt trọn các quần đảo mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền, trong vài tháng gần đây, một mặt trận mới như đã mở ra ở vùng biên giới Tây Nam Việt Nam, với việc Cam Bốt khuấy động trở lại những vấn đề biên giới giữa hai nước vốn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong bối cảnh quan hệ song phương Phnom Penh-Bắc Kinh ngày càng thêm chặt chẽ, đặc biệt trong lãnh vực quân sự, nhiều nhà quan sát đã không tránh khỏi gắn liền động thái của Cam Bốt với tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang muốn yên ổn bồi đắp đảo nhân tạo, bị tình nghi là sẽ được dùng làm những tiền đồn để áp đặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên toàn khu vực.

Căng thẳng bùng lên ngày 28/06/2015, khi hàng trăm người Cam Bốt; trong đó có một số dân biểu đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) thuộc phe đối lập, tiến sâu vào khu vực cột mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc tỉnh Long An, và đã tấn công vào người dân Việt Nam, làm cho một số người bị thương.

Khuấy động biên giới : cả đối lập lẫn chính quyền Cam Bốt đều can dự

Phe đối lập Cam Bốt đã bị tố cáo là đã kích động vụ việc, gây nên tình trạng căng thẳng với Việt Nam, nhất là khi lãnh đạo đảng CNRP là Sam Rainsy khẳng định rằng trong vụ đó, phia Cam Bốt không hề sai, trong lúc phía Việt Nam là bên « cướp đất », và không đầy một tháng sau đó, ngày 19/07, hai dân biểu đảng này là Real Camerin và Um Sam An đã lại cùng với 2.500 người Cam Bốt quay trở lại khuấy động khu vực cột mốc 203.

Luận điểm kích động hiềm khích giữa Việt Nam và Cam Bốt cho đến nay vẫn được đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt tiếp tục. Theo trang mạng của báo Anh ngữ Khmer Times, hôm 29/07/2015, Sam Rainsy lại kêu gọi trên trang Facebook cá nhân của ông là cần phải « bêu xấu » Việt Nam trên trường quốc tế vì Hà Nội đang rất cần hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế để chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Sam Rainsy cho rằng Việt Nam đã ký Hiệp định Paris năm 1991, trong đó có cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ Cam Bốt, cho nên, nếu bị kiện ra trước quốc tế vì lấn đất của Cam Bốt, chắc chắn Việt Nam sẽ bị « lên án ».

Lập luận chống Việt Nam của đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt và của ông Sam Rainsy không có gì lạ, vì như nhận định của chuyên gia Elliott Brennan ngày 31/07 trên báo mạng The Interpreter của Viện Chính sách quốc tế Lowy của Úc, thì Chủ tịch đảng đối lập Cam Bốt đã có gần hai thập niên chuyên kích động tâm lý bài Việt Nam bằng nhiều chiêu bài trong đó có vấn đề biên giới.

Điều đáng ghi nhận là lần này, có lúc chính quyền Hun Sen cũng góp phần gây căng thẳng, đã chính thức gởi công hàm phản đối Việt Nam « vi phạm biên giới » Cam Bốt ở các tỉnh Ratanakkiri, Kandal và Svay Rieng. Theo báo chí Cam Bốt, đó là các vụ đào hồ gần các nông trại Việt Nam tại khu vực giáp ranh tỉnh Ratanakkiri, xây một đồn lính gần biên giới ở tỉnh Kandal, làm đường gần biên giới giáp với tỉnh Svay Rieng.

Việt Nam đã cố gắng giải hòa, mở cuộc họp với phía Cam Bốt và đồng ý đáp ứng hầu hết các yêu cầu của Cam Bốt, giúp cho căng thẳng dịu bớt.

Trung Quốc và Cam Bốt hứa bảo vệ lợi ích cốt lõi của nhau

Ngay từ khi vấn đề bùng lên nhiều quan sát viên đã nêu lên khả năng có sự can dự của Trung Quốc vào việc làm cho tình hình biên giới Việt Nam-Cam Bốt căng thẳng.

Trong bài viết đăng trên trang mạng tờ báo Nhật Bản The Diplomat ngày 10/07/2015 về chuyến công du Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Cam Bốt Tea Banh, nhà phân tích Prashanth Parameswaran đã ghi nhận sự kiện : Sau cuộc họp giữa ông Tea Banh với đồng nhiệm Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Tướng Hứa Kì Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hai bên cam kết sẽ cải thiện quan hệ quân sự song phương và « tiếp tục hỗ trợ nhau về các vấn đề chủ chốt liên quan đến lợi ích cốt lõi ».

Theo tác giả bài viết, cụm từ « lợi ích cốt lõi » từng được Trung Quốc sử dụng một cách quá đáng và đầy tính thách thức để nói về lập trường mới của Trung Quốc về Biển Đông – mà Cam Bốt hết lòng ủng hộ. Tuy nhiên, điểm cần nói ở đây là sự nhấn mạnh đến việc hỗ trợ cho các lợi ích cốt lõi « của nhau ». Người ta có thể tranh cãi về lợi ích quốc gia cốt lõi của Cam Bốt là gì, nhưng rõ ràng là chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cam Bốt, nhân tố đáng kể trong các vấn đề biên giới đang nẩy sinh với Việt Nam, chắc chắn là một trong những lợi ích cốt lõi đó.

Còn theo nhà phân tích Elliott Brennan, khi cố tìm cách giải quyết một cách ổn thỏa và nhanh chóng vấn đề biên giới do Cam Bốt thổi bùng lên, Việt Nam cũng đã nghĩ đến khả năng Phnom Penh bị Bắc Kinh giật dây : « Cả Cam Bốt và Lào đang ngày càng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh nhờ những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Hà Nội sợ rằng Cam Bốt, mà đối với nhiều người gần như là một nước chư hầu của Trung Quốc, có thể bị Bắc Kinh thao túng để gây ra vấn đề dọc theo đường biên giới (Tây Nam) của Việt Nam ».

Theo Elliott Brennan, « mối lo ngại đó đã dai dẳng từ năm 2012, khi Phnom Penh cố tình ngăn chặn mọi sự đoàn kết của ASEAN nhằm chống lại hành động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam lo ngại là Phnom Penh có thể cho tranh chấp biên giới leo thang để khiến Hà Nội phải phân tâm trong trường hợp xảy ra một sự cố nào đó với Trung Quốc trên Biển Đông. Trong tình huống đó, Việt Nam có thể sẽ phải xung đột nóng với 2 nước láng giềng lớn nhất trên 2 mặt trận rất khác nhau. »

Bên thứ ba trong vấn đề biên giới Việt Nam-Cam Bốt

Báo chí Việt Nam dĩ nhiên cũng đã rất quan ngại về thái độ phục tùng Trung Quốc của Cam Bốt, của cả phe đối lập lẫn chính quyền Hun Sen.

Bài viết « Cảnh giác với "bên thứ 3" ở biên giới Tây Nam » đăng trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 02/07/2015 đã không mập mờ khi xác định rằng bên thứ ba đó không ai khác hơn là Trung Quốc. Trong bài phân tích rất dài, tác giả đã điểm lại nhiều động thái của Cam Bốt, cho thấy là Phnom Penh đã không còn che giấu thái độ phục tùng Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Tờ Giáo Dục Việt Nam ghi nhận là chỉ riêng trong vài tháng gần đây :

« Những tiếng nói phụ họa, bao che ngụy biện cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh trên Biển Đông xuất hiện ngày càng nhiều tại Campuchia. Gần đây nhất là phát ngôn của Quốc vụ khanh Campuchia Soeung Rathchavy ngày 6/5 ủng hộ lập trường đàm phán tay đôi của Trung Quốc và gạt Mỹ khỏi Biển Đông.

Ngày 4/6 người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Siphan lại cáo buộc Mỹ "gây rối Biển Đông" và đòi Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc...

Ngày 27/6, đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh tổ chức hội thảo quan hệ đối ngoại quốc tế có sự tham gia của các ông Vương Nghị - Ngoại trưởng và Lý Nguyên Triều - Phó Chủ tịch nước Trung Quốc. Tại đây, Norodom Sirivuth, Cố vấn Cơ mật tối cao của Quốc vương Campuchia lại tiếp tục lên tiếng phụ họa với Bắc Kinh, đòi Mỹ, Nhật "rời khỏi Biển Đông".

Đó là lý do tại sao ngay cả 2 nhà báo Campuchia Meas Sokhea và Shaun Turton cũng phải lưu ý trên The Phnom Penh Post hôm 29/6 rằng: Trong tuần qua những "hùng biện công khai" của một số quan chức CPP cầm quyền về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia theo xu hướng ủng hộ quan điểm của phe đối lập đã cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. »

Để tìm hiểu thêm về vấn đề biên giới Việt Nam-Cam Bốt và vai trò đáng ngờ của Trung Quốc, RFI đã đặt câu hỏi cho Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc.

Giáo sư Thayer : Phnom Penh ngả theo Bắc Kinh nhưng không muốn căng thẳng với Hà Nội

Đối với giáo sư Thayer, quả thực là Cam Bốt ngày nay đã thần phục Trung Quốc, nhưng trong vấn đề căng thẳng biên giới hiện nay giữa Hà Nội và Phnom Penh, vai trò Trung Quốc không rõ ràng. Theo giáo sư Thayer, chính sự chậm trễ trong việc cắm mốc biên giới đã tạo điều kiện cho thành phần đối lập theo xu hướng bài Việt Nam lợi dụng để khuấy động tình hình :

Thayer : Căng thẳng biên giới giữa Cam Bốt và Việt Nam đã nổi lên gần đây do tốc độ chậm chạp trong việc hoàn tất công cuộc cắm mốc phân định biên giới chung của hai nước. Điều đó có nghĩa là các cộng đồng cư dân sống dọc theo biên giới tiếp tục canh tác trên các vùng đất chưa được phân định. Bất kỳ hoạt động nào làm thay đổi nguyên trạng sẽ trở thành một sự cố gây tranh cãi dữ dội.

Một ví dụ : Một số người hoạt động chính trị tại Cam Bốt đã cáo buộc rằng nông dân Việt Nam đã đào hồ nuôi cá ở vùng đất tranh chấp ở tỉnh Ratanakiri và xây dựng một con đường và một đồn biên phòng lấn vào lãnh thổ huyện Koh Thom, tỉnh Kandal.

RFI : Vấn đề biên giới có thực hay là đã được dàn dựng ?

Thayer : Mặc dù đã có những cơ chế chính phủ được đưa ra để xử lý các tranh chấp biên giới, các sự cố gần đây đã bị một số thành phần trong đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt (CNRP) lợi dụng vào mục đích chính trị. Những người này không những tố cáo Việt Nam lấn chiếm lãnh thổ của Cam Bốt, mà lại còn cáo buộc chính phủ Hun Sen sử dụng bản đồ khu vực biên giới do Việt Nam làm ra, và các tài liệu này thiên vị Việt Nam chống lại Cam Bốt.

Các lãnh đạo đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt đã buộc tội một số quan chức chính phủ cụ thể là đã phục tùng đề nghị của Việt Nam. Hơn thế nữa, họ còn yêu cầu phải minh bạch trong đàm phán biên giới giữa hai chính phủ, cho đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, giới chuyên gia và xã hội dân sự có đại diện trong Ủy ban Biên giới, và cho đảng này quyền tiến hành công việc thanh tra riêng biệt các cột mốc biên giới để xác định xem có được đặt đúng chỗ hay không.

Đảng Cứu nguy Dân tộc cũng kêu gọi ngưng đàm phán biên giới với Việt Nam cho đến sau cuộc bầu cử năm 2018.

RFI : Ngoài đảng đối lập, chính quyền Hun Sen cũng can dự vào việc tạo căng thẳng bằng cách gởi công văn phản đối đến chính quyền Việt Nam. Phản ứng đó nghiêm trọng đến mức nào ?

Thayer : Có hai động lực trong vấn đề này. Trước hết, đảng Nhân dân Cam Bốt của Hun Sen và đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt của Sam Rainsy đã thỏa thuận với nhau một cách lỏng lẻo vào tháng Bảy năm 2014 là sẽ hợp tác với nhau để khôi phục lại sự ổn định cho Cam Bốt.

Dưới sức ép của đảng Cứu nguy Dân tộc, Bộ Ngoại giao Cam Bốt đã gởi công hàm tới Bộ Ngoại giao Việt Nam để phản đối các sự cố biên giới và kêu gọi Việt Nam ngừng tất cả các hành vi xâm lấn và hoạt động trong khu vực tranh chấp.

Riêng Thủ tướng Hun Sen còn viết thư cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Pháp và Anh Quốc để yêu cầu được hỗ trợ. Hun Sen đặc biệt yêu cầu cung cấp bản sao bộ bản đồ biên giới năm 1964 đã nộp lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc để so sánh với bản đồ mà Cam Bốt hiện đang sử dụng trong các cuộc đàm phán phân định biên giới. Theo ông Hun Sen, điều đó sẽ chứng minh tính chất xác thực của bản đồ Cam Bốt đang dùng.

Hun Sen đang cố tước bỏ quyền chủ động của phe đối lập, đồng thời không gây căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam.

Điểm thứ hai là vấn đề biên giới Cam Bốt-Việt Nam là một vấn đề rất dễ gây xúc động trong nền chính trị nội bộ Cam Bốt, vốn đang được đảng Cứu nguy Dân tộc khai thác để thu lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Cách nay vài năm, Sam Rainsy đã đụng độ với Hun Sen khi ông ta ủng hộ các cảm tình viên đảng Cứu nguy Dân tộc đi nhổ cột mốc biên giới.

Hiện nay, Sam Rainsy đang đóng một vai trò mập mờ hơn nữa. Các chính trị gia khác trong đảng Cứu nguy Dân tộc, chẳng hạn như các dân biểu Real Khemarin và Um Sam An, đã chủ động tuần hành cùng với hàng ngàn người biểu tình đến các khu vực biên giới nhạy cảm trong tranh chấp với Việt Nam.

RFI : Nhiều người cho rằng Trung Quốc đứng đằng sau những căng thẳng mới giữa Việt Nam và Cam Bốt, như vào năm 1979, để tạo ra một mặt trận thứ hai bên cạnh Biển Đông ?

Thayer : Trung Quốc không có lý do trực tiếp nào để khuấy động căng thẳng giữa Cam Bốt và Việt Nam, nhất là khi Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện quan hệ với Hà Nội. Nếu Trung Quốc tìm cách thổi bùng căng thẳng, điều đó có thể gây phản tác dụng nghiêm trọng.

Trung Quốc tuy nhiên có thể cung cấp hậu thuẫn chính trị cho Cam Bốt trong các cuộc đàm phán biên giới. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc, như Tân Hoa Xã, đã loan tin khách quan về sự kiện này.

RFI : Sự vụ việc có liên quan gì đến việc Hà Nội xích lại gần Washington ?

Thayer : Trung Quốc, ít nhất là về mặt công khai, đã không chỉ trích việc cải thiện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vì bản thân họ cũng đang cố gắng cải thiện bang giao với cả Hà Nội lẫn Washington.

Nhưng chắc chắn là bên trong, Trung Quốc đã cho Hà Nội biết rõ các mối quan ngại của Bắc Kinh theo đó quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không nên gây tổn hại cho quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, và Việt Nam không nên lôi kéo Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

RFI : Trung Quốc cũng muốn đe dọa lãnh đạo Việt Nam trước Đại hội Đảng năm 2016 ?

Thayer : Trung Quốc sẽ cố gắng tác động đến sự lựa chọn lãnh đạo tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, dự kiến vào đầu năm 2016. Trung Quốc thường để lộ trước danh tánh những người mà họ cho là chống Trung Quốc.

Nhưng ở đây, một lần nữa, Trung Quốc đã nhận ra rằng ảnh hưởng của họ ở Việt Nam nói chung và trên Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng là điều rất nhạy cảm trong nước Việt Nam. Trung Quốc không thể « đe dọa » Việt Nam mà không gây ra một phản ứng dữ dội có hại về mặt chính trị.

RFI : Cam Bốt phải chăng đang trên đường đi theo Trung Quốc chống lại Việt Nam ?

Thayer : Việc Cam Bốt đi theo Trung Quốc là một chính sách chung hiểu theo nghĩa là Cam Bốt hy vọng được thưởng công về mặt kinh tế khi ra mặt ủng hộ Trung Quốc, ủng hộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông nói riêng.

Chính sách đi theo Trung Quốc của Cam Bốt một phần đã bắt nguồn từ phản ứng của họ trước sức ép từ Mỹ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu và Úc, muốn Cam Bốt thúc đẩy dân chủ và tăng cường việc tôn trọng nhân quyền. Chính sách này cũng xuất phát từ phản ứng trung lập của ASEAN trong vụ tranh chấp biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan trong những năm 2008-2011.

Chính phủ Hun Sen không cảm thấy bị Việt Nam đe dọa trực tiếp trong vụ căng thẳng biên giới hiện nay. Những căng thẳng chủ yếu liên quan đến các quan chức địa phương và các đơn vị bộ đội biên phòng, chứ không dính líu đến lực lượng vũ trang thường trực của Việt Nam.

Cả hai bên đã kêu gọi giữ bình tĩnh và sau cuộc họp gần đây của Ủy ban Biên giới chung của hai nước, Việt Nam đã thông báo rằng họ đã ngừng xây dựng một con đường và một đồn biên phòng. Có tin là các chính quyền địa phương Việt Nam cũng đã ra lệnh lấp đầy một số hồ nuôi cá tại khu vực tranh chấp.

Trọng Nghĩa/ RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét